Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu mất gần 2,3% theo đà lao dốc của chứng khoán Mỹ

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu mỏ chốt phiên ngày 10/10 giảm hơn 2% do chịu tác động từ đà mất điểm trên thị trường chứng khoán Mỹ và báo cáo về lượng dự trữ dầu thô của Mỹ.

Giá dầu chịu áp lực đi xuống giữa bối cảnh thị trường Phố Wall chìm trong sắc đỏ, với chỉ số S&P500 ghi nhận mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ tháng 2.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và mối lo ngại về chính sách thương mại đã thúc đẩy hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Ngoài ra, giá dầu đã giảm sâu hơn, khi Viện Xăng dầu Mỹ công bố báo cáo cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 5/10 tăng 9,7 triệu thùng lên 410,7 triệu thùng, cao hơn gần 4 lần dự báo của các nhà phân tích chỉ tăng 2,6 triệu thùng.
Giá dầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 2 tuần trong phiên này khi nhà đầu tư xem xét giảm khả năng ảnh hưởng của cơn bão Michael đến cơ sở hạ tầng năng lượng tại khu vực Vịnh Mexico. Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ mất 1,79 USD (tương đương 2,4%) xuống 73,17 USD/thùng -  mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 27/9/2018.
 Giá dầu giảm gần 2,3% theo đà lao dốc của chứng khoán Mỹ.
Trong khi đó, giá dầu Bren hạ 1,91 USD (tương đương gần 2,3%) còn 83,09 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất từ đầu tháng đến nay.
James Williams - chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, cho biết: “Mặc dù siêu bão Michael có thể là cơn bão nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng nó lại không phải là sự kiện ảnh hưởng đến sản xuất dầu khí. Cơn bão này đước dự báo sẽ không hủy hoại các khu vực sản xuất, vì vậy  hoạt động sản xuất sẽ trở lại bình thường trong vòng 4-5 ngày tới khi công nhân quay về các giàn khoan”.
Cục An toàn và Thực thi Môi trường (BSEE) hôm 10/10 cho biết cơn bão có thể làm mất khoảng 42,3% sản lượng dầu và 31,7% sản lượng khí thiên nhiên trong khu vực Vịnh Mexico. Tuy nhiên, bão Michael dường như đi chếch qua phía Đông của phần lớn vùng sản xuất dầu khí.
Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, lưu ý thêm: “Giá dầu cũng có khả năng chịu sức ép bởi đợt bán tháo rộng khắp trên các thị trường rủi ro”. Theo đó, chỉ số S&P 500 đang hướng đến chuỗi lao dốc dài nhất trong gần 2 năm.
Theo Dean Popplewell - Phó chủ tịch phân tích thị trường tại Oanda, giá dầu cũng suy yếu sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 9/10 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và cả năm sau, qua đó làm dấy lên lo ngại rằng nhu cầu dầu cũng có thể sụt giảm.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mối lo về tình hình nguồn cung tại Trung Quốc vẫn là nhân tố hỗ trợ giá dầu mỏ. Ngoài ra, Reuters đưa tin trong tuần này rằng Iran đã xuất khẩu 1,1 triệu thùng dầu thô/ngày trong tuần đầu tiên của tháng 10, thấp hơn so với mức 1,6 triệu thùng/ngày hồi tháng 9 và 2,5 triệu thùng/ngày vào mùa xuân. Số liệu này nhấn mạnh đà sụt giảm sản lượng của thành viên lớn thứ 3 thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngay cả trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực từ ngày 4/11 tới./.