Giá dầu Brent thiết lập mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 nhờ được hỗ trợ từ việc các nhà sản xuất năng lượng tại Abu Dhabi cắt giảm 30% sản lượng và số liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc.
Cụ thể, giá dầu Brent leo lên 46,38 USD/thùng sau khi có thời điểm trong phiên tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 3 lên tới 46,27 USD/thùng, tăng 46 xu Mỹ, tương đương 1%. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ nhích 28 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên tới 43,25 USD/thùng.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 31/8 cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực phi chế tạo Trung Quốc đạt 55,2 trong tháng 8/2020, tăng từ mức 54,2 trong tháng 7/2020. Số liệu này cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là 51,2 điểm.
Chỉ số này trên mức 50 đồng nghĩa với tăng trưởng và dưới 50 đồng nghĩa với sụt giảm. Như vậy chỉ số PMI của lĩnh vực phi chế tạo Trung Quốc đã ghi nhận 6 tháng liên tiếp ở mức trên 50.
Giá dầu Brent đang trên đà leo dốc tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 8, trong khi đó giá dầu WTI ghi nhận 4 tháng tăng liền. Giá dầu WTI của Mỹ đã tăng chạm đỉnh trong 5 tháng lên 43,78 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 26/8 khi sản xuất dầu tại Mỹ bị đình trệ vì bão Laura.
Về nguồn cung nhiên liệu, Công ty Dầu mỏ Quốc gia của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ngày 31/8 cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 30% nguồn cung trong tháng 10, tăng 5% so với tháng 9, theo chỉ đạo của chính quyền Abu Dhabi nhằm đáp ứng cam kết trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là OPEC+.
Nhà kinh tế Howie Lee của OCBC nhận xét: “Nhu cầu năng lượng toàn cầu đang dần hồi phục, điều này sẽ giúp giảm lượng dầu tồn kho kỷ lục do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Các công ty năng lượng Mỹ đang khôi phục hoạt động các giàn khoan ngoài khơi và mở cửa trở lại các nhà máy lọc dầu để tránh bão.
Theo giới phân tích, việc đồng USD suy yếu và chỉ số PMI tích cực của lĩnh vực chế tạo Trung Quốc đã tạo lực đẩy cho giá “vàng đen” trong bối cảnh thị trường năng lượng đang chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng Covid-19 và nguồn cung vẫn dồi dào.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Jeffrey Halley của OANDA, đà phục hồi của giá dầu trong dài hạn sẽ tiếp tục chịu sức ép từ nguồn cung dồi dào và triển vọng phục hồi yếu của nhu cầu đối với nhiên liệu.
Dữ liệu từ công ty Refinitiv và Vortexa cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 9 dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên trong 5 tháng do lượng dầu thô kỷ lục tại các kho dự trữ ở trong và bên ngoài nước nhập khẩu lớn nhất thế giới này.
Trong khi đó, theo số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co, giá dầu và khí đốt tăng cao cũng đang khuyến khích các nhà sản xuất Mỹ nối lại hoạt động khai thác khi số lượng giàn khoan dầu và khí đốt của nước này đã tăng 3 giàn lên 254 giàn trong tháng 8.
Hãng thông tấn SPA dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi hôm 30/8 cho biết Saudi Aramco đã phát hiện hai mỏ dầu và khí đốt mới ở khu vực phía Bắc nước này.