Giá dầu ngọt nhẹ WTI đạt đỉnh kể từ giữa 2015 do sản lượng của Mỹ giảm

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, giá dầu ngọt nhẹ WTI chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2015, do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ và lượng dầu thương mại dự trữ giảm khiến hoạt động mua vào tăng mạnh.

Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 37 xu Mỹ, tương đương 0,6% so với cuối phiên trước lên 60,21 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2015 là 60,32 USD/thùng. 
Cùng với đà tăng của giá dầu WTI, giá dầu Brent Biển Bắc trên thị trường thế giới cũng tăng 45 xu Mỹ, hay 0,7% lên 66,61 USD/thùng, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga từ đầu năm đến nay, cũng như nhu cầu tăng cao tại thị trường Trung Quốc. 
Giá dầu ngọt nhẹ WTI chạm đỉnh kể từ giữa năm 2015.
Theo các thương nhân, nguyên nhân chính khiến giá dầu đi lên trong phiên này là do thị trường tương đối hạn hẹp sau một năm cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày của OPEC và Nga. Thỏa thuận này sẽ được thực hiện đến cuối năm 2018.
Trung Quốc đã cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu thô lên 121,32 triệu tấn tổng cộng cho 44 doanh nghiệp nằm trong đợt cấp đầu tiên trong năm 2018. Như vậy, lượng dầu nhập khẩu của nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này được dự đoán sẽ chạm mức cao kỷ lục mới trong năm 2018.
Bên cạnh đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng trong phiên này do sản lượng dầu của Mỹ bất ngờ giảm. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của nước này trong tuần qua giảm xuống còn 9,754 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức 9,789 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó.
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gần 16% kể từ giữa năm 2016, và phần đông giới chuyên gia dự đoán sản lượng của nước này sẽ vượt mốc 10 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, con số chỉ đứng sau Ả Rập Saudi và Nga. 
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI cũng được hỗ trợ khi lượng dầu thương mại dự trữ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/12 xuống còn 431,9 triệu thùng, theo số liệu của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA). 
Ngoài ra, việc đóng cửa đường ống dẫn dầu tại Libya và Biển Bắc cũng hỗ trợ cho đà đi lên của giá dầu. Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) cho biết, một vụ nổ trên đường ống dẫn dầu tại Zaggut ở miền Nam đến Al-Sidra, đã khiến sản lượng dầu của nước này bị sụt giảm.
Do ảnh hưởng từ vụ nổ, sản lượng dầu của đất nước Bắc Phi này được dự báo sẽ giảm từ 70.00 đến 100.000 thùng/ngày. Libya là nước có sản lượng xuất khẩu khá lớn trong OPEC nên vụ nổ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường thế giới.
Stephen Innes, giám đốc giao dịch khu vực châu Á Thái Bình Dương tại công ty môi giới kỳ hạn Oanda, Singapore, phân tích: “Thị trường năng lượng đang diễn biến khả quan do nguồn cung dầu được hạn chế nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng".
Hệ thống đường ống dẫn dầu Forties tại Biển Bắc với công suất 450.000 thùng/ngày đã phải đóng cửa để khắc phục sự cố hồi đầu tháng này.
Dự kiến cả hai đường ống này sẽ hoạt động bình thường trở lại vào đầu  tháng 1/2018.