Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu nhảy vọt gần 2% bất chấp lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tục leo dốc trong phiên 3/10 trước những dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt khi lệnh trừng phạt của Mỹ với ngành dầu mỏ của Iran có hiệu lực.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/10, giá dầu tăng mạnh khi báo cáo cho thấy kim ngạch xuất khẩu tại Iran sụt giảm do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với sản xuất dầu mỏ của Tehran. Bên cạnh đó, sự không chắc chắn xung quanh khả năng các nhà sản xuất dầu chủ chốt bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran đã đẩy giá dầu ngọt nhẹ WTI và dầu Brent đảo chiều vọt lên gần đỉnh 4 năm.
 Giá dầu tăng gần 2% bất chấp lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng mạnh.
Giá dầu tăng vọt ngay cả khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho biết dự trữ dầu thô tại nước này chứng kiến tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 3/10 cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/9/2018, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Con số này cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 907.000 thùng của Viện Xăng dầu Mỹ và dự báo tăng 2,76 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng mất 500,000 thùng trong tuần trước, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất sụt 1.8 triệu thùng. Cả 2 đều thấp hơn dự báo giảm 672,000 thùng xăng và 1.83 triệu thùng sản phẩm chưng cất từ một cuộc thăm dò của Platts.
Chuyên gia kinh tế năng lượng James Williams tại WTRG Economics, nhận định: “Thị trường năng lượng đang gặp vấn đề trong việc điều chỉnh rủi ro nguồn cung từ Iran và các nhà giao dịch đang đặt câu hỏi về việc Ả Rập Saudi sẽ bơm thêm bao nhiều dầu cùng với một báo cáo nguồn cung tiêu cực. Tình huống này giống như giới đầu tư đang ở 2 bên đối lập của bàn hội nghị, với một nhóm đánh giá báo cáo tiêu cực và một nhóm khác nhận định rằng dự trữ dầu của Mỹ chỉ là con số của một tuần. Vì vậy, sự không chắc chắn về sản lượng dầu tại Iran và Ả Rập Saudi vẫn còn đó”.
Chuyên gia Williams lưu ý thêm: “Dự trữ dầu thô tại Mỹ nhảy vọt là do kim ngạch xuất khẩu giảm 917.000 thùng/ngày, đồng thời kim ngạch nhập khẩu tăng 163.000 thùng/ngày”.
Chốt phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1,18 USD (tương đương 1,6%) lên 76,41 USD/thùng, song lại giảm nhẹ xuống 74,30 USD/thùng ngay sau khi dữ liệu nguồn cung công bố.
Trong khi đó, giá dầu Brent  nhích 1,49 USD (tương đương 1,8%) lên 86,29 USD/thùng sau khi chạm đáy trong phiên xuống gần 84 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng này đều ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Mối lo ngại của các nhà giao dịch về tác động của các lệnh trừng phạt mà Mỹ thực hiện đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11 tới, đã gây sức ép lên giá cả hai mặt hàng nêu trên. 
Trong tuần này, cả giá dầu Brent và WTI đều chạm mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11/2014 và hai mặt hàng này tăng lần lượt 20% và 17% kể từ giữa tháng 8.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý thị trường dầu vẫn chịu ảnh hưởng từ sự tăng giá của đồng USD và nguồn cung tại Mỹ gia tăng.