Giá “vàng đen” chạm mức cao nhất trong 1 năm vào ngày 5/2 khi giới thương nhân lạc quan vào đà hồi phục kinh tế thế giới, cùng với việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+.
Thị trường nhiên liệu khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sau phiên tăng kỷ lục của chứng khoán Mỹ nhờ các tiến triển về gói kích thích kinh tế và dữ liệu về việc làm khả quan hơn.
Bộ Lao động Mỹ hôm 5/2 cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo thêm 49.000 việc làm trong tháng 1/2021, thấp hơn đôi chút so với mức dự báo 50.000 của các chuyên gia kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,3%.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/2, giá dầu Brent tăng 50 xu Mỹ, tương đương 0,9% lên 59,34 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 20/2/2020. Giá dầu Brent cũng chứng kiến phiên tăng thứ 6 liên tiếp là đợt tăng dài nhất kể từ chuỗi 7 phiên leo dốc thiết lập ngày 5/6/2020.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cộng 62 xu Mỹ, tương đương 1,1% lên 56,85 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này trong phiên giao dịch có thời điểm nhảy vọt lên 57,29 USD, ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 22/1/2020.
Tính chung trong tuần, giá dầu Brent leo dốc gần 6%, còn dầu WTI tăng 9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2020.
“Giá dầu Brent đang hướng tới ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhóm OPEC+ đã thành công trong việc xóa lo ngại về nguồn cung và nhà đầu tư lạc quan về sự hồi phục của kinh tế toàn cầu”, chuyên gia phân tích thị trường cấp cap Edward Moya của trung tâm OANDA ở New York nhận xét.
Trong một báo cáo công bố ngày 5/2, nhà phân tích Robbie Fraser thuộc công ty nghiên cứu và phân tích Schneider Electric nhấn mạnh: "Thị trường dầu đang tiếp nối đà tăng mạnh xuất hiện từ cuối năm 2020, chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan nói chung của giới đầu tư và việc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 tại nhiều nước”.
Phụ trách nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, ông Bjornar Tonhaugen, cho biết: “Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường năng lượngđược cải thiện trong tuần này sau khi tập đoàn dầu quốc gia Aramco của Ả Rập Saudi tăng giá bán dầu mỏ cho khách hàng châu Âu”.
Công ty Aramco đã tăng giá dầu Arab Light (OSP) giao tháng tháng 3 thêm 1,40 USD/thùng cho các nước Tây Âu. Theo chuyên gia Tonhaugen, điều này cho thấy Ả Rập Saudi - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tự tin hơn vào triển vọng nhu cầu sớm phục hồi.
Bên cạnh tâm lý lạc quan vào sự khởi sắc của nhu cầu dầu mỏ, giới phân tích kỳ vọng rằng nhóm OPEC+ sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung để cân bằng thị trường.
Nhóm OPEC+ hôm 3/2 tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng hàng tháng để thảo luận về chính sách sản lượng. Trong tuyên bố kết thúc cuộc họp, OPEC+ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng và bày tỏ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu trong năm nay.
Nỗ lực giảm mạnh nguồn cung của OPEC+ đã giúp giá dầu hồi phục từ mức thấp kỷ lục trong năm ngoái. Trong năm 2020, OPEC+ đã thực hiện mức hạn chế sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày, và thu hẹp còn 7,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1 năm nay. "Việc các nước OPEC+ tuân thủ chặt thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã có tác dụng thực sự tích cực đối với giá dầu", chiến lược gia Michael McCarthy của CMC Markets nói với trang CNBC.
Bên cạnh đó, đà phục hồi của giá dầu trong tuần này một phần cũng nhờ báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 3 - dấu hiệu cho thấy việc OPEC+ cắt giảm sản lượng đã mang lại hiệu ứng như mong muốn./.