Giá dầu ổn định ở mức cao nhất 5 tháng khi nguồn cung thắt chặt hơn

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu sụt nhẹ trong phiên 21/8 song vẫn duy trì ở mức đỉnh 5 tháng khi việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại các nước giúp nhu cầu dần phục hồi, thị trường được thắt chặt hơn.

Thị trường năng lượng ổn định trong phiên giao dịch này một phần cũng nhờ các nhà sản xuất dầu chủ chốt đang nỗ lực hạn chế nguồn cung.
Giá dầu đi xuống trong phiên 21/8 song vẫn duy trì mức cao nhất trong 5 tháng.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau giảm 27 xu Mỹ, tương đương 0,1% xuống 44,63 USD/thùng và sắp ghi nhận mức sụt 0,4% trong tuần. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ hạ 33 xu Mỹ, tương đương 0,8%, về còn 42,49 USD, nhưng đang trên đà tăng khoảng 1,1% tính chung  trong tuần.
Giá dầu chịu áp lực trong phiên cuối tuần sau báo cáo mới nhất cho thấy nhu cầu dầu mỏ đang phục hồi chậm chạp trong khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trở lại tại một số nước châu Á và châu Âu.
Số liệu của Bộ Năng lượng Ấn Độ cho biết nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/ 2010 trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu đóng cửa và bảo trì nhà máy lọc dầu mới.
Công ty tư vấn JBC Energy có trụ sở tại Vienna cho biết: “Triển vọng nhu cầu dầu mỏ tại Ấn Độ tăng trở lại như mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát trong thời gian ngắn hạn vẫn còn chưa chắc chắn”.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+, đang hối thúc các thành viên đã sản xuất vượt mức cam kết trong thỏa thuận sẽ cắt giảm bù sản lượng trong thời gian tới.
Hãng Reuters đưa tin OPEC+ nhận thấy một số thành viên sẽ cần cắt giảm sản lượng khoảng 2,31 triệu thùng/ngày để bù vào tình trạng dư cung của họ gần đây.
Trong số các nước thành viên OPEC, Iraq và Nigeria là những nước ít tuân thủ nhất và thậm chí Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), vốn tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng hồi tháng 6/2020, đã sản xuất dư thừa khoảng 50.000 thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5 - 7/2020.
Báo cáo của OPEC+ cũng nêu rõ những rủi ro về nhu cầu, trong đó liên minh này dự kiến nhu cầu dầu mỏ trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 9,1 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Niềm tin của nhà đầu tư hiện vẫn bị lung lay bởi triển vọng nhu cầu dầu thế giới còn thấp. Thị trường năng lượng được coi là một phong vũ biểu tốt cho nhu cầu toàn cầu và các thương nhân thường tỏ ra ít lạc quan hơn về tình hình nền kinh tế toàn cầu khi thấy nhu cầu dầu mỏ sụt giảm.
Tại cuộc họp của Ủy ban giám sát bộ trưởng OPEC+ ngày 19/8, Bộ trưởng Nga Alexandre Novak nhấn mạnh sự “mong manh” của thị trường và những bất ổn đang xoay quanh nhu cầu vàng đen toàn cầu. Bộ trưởng Novak yêu cầu các nước thành viên OPEC+ cần tiếp tục tôn trọng tuyệt đối thỏa thuận giảm cung.
Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdel Aziz bin Salman, cũng nhận định thị trường trong 3 tháng qua có “cải thiện đáng kể” nhờ sự phục hồi nhu cầu năng lượng khi các hoạt động kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại tại nhiều nước trên thế giới.
Ông Abdel Aziz bin Salman đề nghị những nước chưa thực hiện đúng yêu cầu cắt giảm nguồn cung  phải có các khoản cắt giảm bù đắp mà ông hy vọng họ sẽ đạt được vào cuối tháng 9 tới và hy vọng nhu cầu dầu mỏ có thể phục hồi ở mức 97% vào cuối năm nay.
OPEC+ cũng cho rằng làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang là rủi ro lớn đối với sự phục hồi của thị trường dầu mỏ toàn cầu.