Thị trường “vàng đen” giao dịch khởi sắc hơn trong phiên 27/10 sau khi chứng kiến phiên giảm mạnh do sự tái bùng phát các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đe dọa triển vọng phục hồi nhu cầu, trong khi nguồn cung dồi dào cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Cụ thể, giá dầu Brent nhích 12 xu Mỹ, tương đương 0,3% lên 40,58 USD/thùng sau khi giảm hơn 3% trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng cộng 13 xu Mỹ, khoảng 0,3% lên 38,69 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này cũng lao dốc hơn 3% trong ngày 26/10.
Tuy nhiên, giá dầu đang chịu sức ép suy yếu trong những phiên sắp tới khi dịch Covid-19 đang trỗi dậy tại Mỹ và nhiều nước châu Âu buộc chính phủ các nước này phải tăng cường các biện pháp hạn chế cũng như lệnh giới nghiêm.
Đợt lây nhiễm Covid-19 thứ hai tại Mỹ, Nga, Pháp và nhiều nước khác đã ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu, khi số ca nhiễm mới kỷ lục đã buộc một số nước phải thực hiện các biện pháp hạn chế mới khi mùa Đông tới gần.
Nhà phân tích về hàng hóa Vivek Dhar tại Commonwealth Bank of Australia (CBA) cho rằng giá dầu sắp tới sẽ thực sự khó tăng do các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch.
Bên cạnh đó, việc đàm phán về gói kích thích tài khóa mới tại Mỹ chưa đạt nhiều tiến triển đã gây thêm sức ép lên thị trường, dù Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 26/10 bày tỏ hy vọng có thể đạt thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11. Bob Yawger - Giám đốc hợp đồng năng lượng tại công ty chứng khoán Mizuho, cho biết: “Thị trường dầu mỏ đang chịu áp lực từ triển vọng đạt được gói cứu trợ mới tại Mỹ mờ mịt, đợt tái bùng phát dịch Covid-19 mới và sự gia tăng bất ngờ của sản lượng dầu ở Libya”.
Đà phục hồi của giá dầu trong phiên giao dịch hôm nay phần nào nhờ sự hỗ trợ từ khả năng sản lượng của Mỹ giảm khi các công ty dầu mỏ bắt đầu đóng cửa các giàn khoan ngoài khơi do bão trên vịnh Mexico. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman hôm 26/10 nhận định rằng giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường dầu mỏ đã qua. Tuy nhiên, Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo cho rằng bất kỳ sự phục hồi nào của thị trường dầu mỏ sẽ kéo dài hơn so với dự kiến do số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng mạnh.
Trong khi đó, tập đoàn dầu khí quốc gia Libya (NOC) hôm thứ Hai đã chấm dứt tình trạng bất khả kháng đối với các cơ sở còn lại bị đóng cửa bởi lệnh phong tỏa xuất khẩu kéo dài 8 tháng bởi các lực lượng ở miền Đông.
NOC cho biết sản lượng dầu của nước này dự kiến đạt 1 triệu thùng/ngày trong những tuần tới, sớm hơn do với dự báo của nhiều nhà phân tích. Điều này có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của OPEC cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, nhằm hạn chế nguồn cung để đối phó với sự suy giảm nhu cầu.
Nhóm OPEC+ đang có kế hoạch tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2021 sau khi cắt giảm sản lượng kỷ lục vào đầu năm nay.