Giá dầu thô hôm thứ 6 tăng mạnh do thông tin một bộ phận nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Mỹ bị đóng cửa. Điều này phần nào giải tỏa tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về tình trạng thừa dầu.
Giá dầu Brent ghi nhận mức tăng 1,5% trong cả tuần, song giá dầu ngọt nhẹ WTI vẫn mất 0,3%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (14/8), giá dầu thế giới đi xuống do nhu cầu tiêu thụ loại nhiên liệu quan trọng của Trung Quốc, nước tiêu thụ “vàng đen” lớn thứ 2 thế giới, suy yếu trong bối cảnh Mỹ vẫn tăng mạnh số lượng giàn khoan dầu. Trong phiên giao dịch này, thị trường dầu chịu áp lực mất giá do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng sau khi số liệu cho thấy các công ty năng lượng Mỹ bổ sung số giàn khoan lần thứ 2 trong 3 tuần.
Thị trường dầu tiếp tục lao dốc trong ngày 15/8 do đồng USD tăng giá tác động tiêu cực đến giá dầu. Việc đồng USD tăng giá dẫn đến các mặt hàng vốn được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác. Thị trường dầu cũng chịu áp lực giảm giá do tình trạng dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu tiếp tục kéo dài bất chấp Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Sang phiên giao dịch ngày 16/8, giá dầu giảm 1,6% trước số liệu về sản lượng dầu gia tăng tại Mỹ. Khép lại phiên này, giá dầu Brent giảm khoảng 1%, xuống 50,27 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 1,6% xuống 46,78 USD/thùng. Thống kê cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày, so với mức 9,4 triệu thùng/ngày của tuần trước đó. Kể từ giữa năm 2016, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gần 12%. Bước sang ngày 17/8, thị trường dầu ghi nhận phiên tăng giá sau những ngày sụt giảm liên tiếp do báo cáo số lượng dầu tồn kho giảm mạnh. Số liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm gần 13% so với mức đỉnh hồi tháng 3 xuống 466,5 triệu thùng, thấp hơn nhiều thời điểm này năm ngoái.
William O'Loughlin, nhà phân tích đầu tư tại công ty chứng khoán Rivkin, Australia nhận định, nếu sản lượng dầu tiếp tục duy trì mức sụt giảm như trên, lượng hàng tồn kho sẽ quay trở lại dưới mức trung bình 5 năm trong vòng 2 tháng tới.
"Tốc độ sụt giảm chứng tỏ việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC đang phát huy hiệu quả, mặc dù giá dầu gần đây cho thấy rằng thị trường hoài nghi về triển vọng dài hạn đổi với tái cân bằng của thị trường dầu mỏ”, ông O'Loughlin cho biết.
Trong phiên cuối tuần (18/8), giá dầu vọt tăng mạnh, nhờ sự yếu đi của đồng USD và thống kê về số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ. Giá dầu WTI giao trong tháng 12 tăng 3,02% tương đương 1,42 USD lên mức 48,51 USD/thùng. Cùng lúc, giá dầu Brent cũng tăng 3,59% lên 52,82 USD/thùng.
Giá dầu phục hồi sau khi một thông báo cho thấy một bộ phận nhà máy lọc dầu của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil phải đóng cửa. Đồng thời, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, trong tuần qua số lượng giàn khoan Mỹ giảm 5 giàn xuống còn 763 giàn. Điều này đã xóa đi nỗi lo của các nhà đầu từ về việc sản lượng khai thác của Mỹ tăng có thể phá vỡ nỗ lực rút lượng dầu thừa trên thị trường.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, tổng sản lượng khai thác của Mỹ đã tăng thêm 79.000 thùng/ngày lên mức 9,502 triệu thùng/ngày. Đây là ngưỡng cao nhất kể từ giữa tháng 7/2015.