Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu phục hồi nhẹ, vượt ngưỡng 40 USD/thùng khi nhu cầu còn yếu

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent tăng nhẹ sau khi chạm mức đáy kể từ tháng 6, song đà đi lên chưa chắc chắn khi dịch Covid-19 đang đe dọa triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 9/9, giá dầu Brent tăng 44 xu Mỹ, tương đương 1,1%, ở mức 40,22 USD/thùng sau khi lao dốc hơn 5% trong phiên ngày thứ Ba, lần đầu tiên giảm xuống dưới 40 USD/thùng kể từ tháng 6/2020.
Giá dầu đảo chiều lên mức hơn 40 USD/thùng trong phiên 9/9.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 50 xu Mỹ, tương đương 1,4%, lên 37,26 USD/thùng, sau khi sụt gần 8% trong phiên trước đó. Cả 2 mặt hàng dầu này đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 3 tháng.
Số ca nhiễm Covid-19 đang tăng tại Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha và nhiều khu vực tại Mỹ - nơi tỷ lệ lây nhiễm vẫn chưa được kiểm soát suốt nhiều tháng qua. Tình trạng này có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế thế giới, cản trở nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.
Kỳ nghỉ cuối tuần dịp lễ Lao động ngày 7/9 đánh dấu kết thúc mùa hè đi lại tại Mỹ, giai đoạn nhu cầu xăng thường lớn nhất, pha trộn các rắc rối cung cầu vào thị trường, theo Bob Yawger - Giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho nhận định và nhấn mạnh: “Với các cơ sở lọc dầu sắp giảm công suất trong vài tuần tới, tồn kho dầu thô sẽ tăng cao hơn”.
"Sự tháo chạy khỏi vị thế mua ròng càng làm tình trạng bán tháo thêm nghiêm trọng, gây áp lực lên thị trường năng lượng trong ngắn hạn", chuyên gia Yawger cho biết thêm.
Đà đi lên của giá "vàng đen" trong phiên này còn bị hạn chế do Công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco của Ả Rập Saudi hạ giá bán dầu nhẹ Arab từ tháng 10, dấu hiệu cho thấy lực cầu suy yếu.
“Thông báo từ vương quốc dầu mỏ hôm 6/9 khiến dầu WTI không còn hấp dẫn với các khách hàng châu Á” - nhà phân tích năng lượng Phil Verleger tại PK Verleger, bang Colorado, nhận xét.
Về dữ liệu kinh tế của nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chỉ số giá hàng hóa xuất xưởng (PPI) của Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp, song tốc độ giảm chậm nhất kể từ tháng 3, cho thấy các ngành công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tiếp tục phục hồi từ sự sụt giảm do đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn có vẻ còn khá yếu: nhu cầu phục hồi rất mong manh, lượng dự trữ và công suất dự phòng cao, lợi nhuận lọc dầu thấp.
Tuy nhiên, ngân hàng này đã nâng dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên hơn 50 USD/thùng trong nửa cuối năm 2021 khi đồng USD suy yếu và kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Giá dầu phục hồi mạnh từ mức thấp nhất trong hàng chục năm hồi tháng 4 nhờ nỗ lực giảm nguồn cung kỷ lục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh, tức OPEC+.
Tuy nhiên, với các số liệu kinh tế tiếp tục yếu thì triển vọng đối với nhu cầu dầu mỏ vẫn ảm đạm. Nhóm OPEC+ sẽ họp vào ngày 17/9 để tái đánh giá chính sách điều hành sản lượng trong những tháng cuối năm./.