Giá dầu rời mức 71 USD/thùng do triển vọng nhu cầu suy yếu

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 26/1, giá dầu giảm, để mất mức cao nhất kể từ năm 2014 do đồng USD phục hồi và nhu cầu dầu mỏ trên thị trường toàn cầu được dự báo suy yếu trong tương lai gần.

Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 70,11 USD/thùng, giảm 31 xu Mỹ, khoảng 0,4% so với đóng cửa phiên trước. Trong phiên giao dịch hôm qua, dầu thô Brent đã đạt mức 71,28 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Giá dầu rời mức đỉnh 71 USD/thùng do triển vọng nhu cầu suy yếu.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn của Mỹ ở mức 65,24 USD/thùng, giảm 27 xu Mỹ, hay 0,4% so với đóng cửa phiên trước. Giá dầu WTI cũng đạt mức đỉnh trong hơn 3 năm qua với 66,66 USD/thùng trong phiên trước đó.
Các thương nhân cho biết giá "vàng đen" đang trên đà tăng lên mốc mới cao nhất trong hơn 3 năm, nhờ tồn kho dầu thô ở Mỹ tiếp tục giảm và đà giảm mạnh của đồng USD. Tuy nhiên giá dầu quay đầu giảm ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu cho rằng đồng USD sẽ tăng giá và ông cũng muốn như vậy.
Giá các hàng hóa nguyên liệu thường được neo theo đồng USD và diễn biến của đồng bạc xanh thường tác động đến giá của các hàng hóa đó.
Chỉ số ICE U.S. Dollar so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ thế giới ngày 24/1 giảm về mức thấp nhất trong vòng 3 năm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng đồng bạc xanh yếu sẽ có lợi cho thương mại. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá sau khi Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC rằng ông muốn thấy đồng USD mạnh lên.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng giá dầu chịu áp lực đi xuống từ triển vọng ngắn hạn đối với dầu mỏ đang suy yếu trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường toàn cầu dồi dào.
Georgi Slavov, giám đốc nghiên cứu tại công ty môi giới hàng hóa Marex Spectron cho biết: “Nguồn cung dầu mỏ trên thị trường đang ở mức cao, và chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục tăng hơn nữa do Mỹ tăng mạnh số lượng các giàn khoan dầu".
Sản lượng khai thác dầu của Mỹ đã đạt 9,88 triệu thùng/ngày trong tuần trước, và được dự báo sắp đạt mức 10 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của Mỹ tăng hơn 17% kể từ giữa năm 2016, gần bằng sản lượng của Ả Rập Saudi, nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Sự gia tăng sản lượng của Mỹ đang đe dọa nỗ lực hạn chế nguồn cung để siết chặt thị trường và hỗ trợ giá của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga. Sự hạn chế nguồn cung này cộng với tăng trưởng nhu cầu mạnh đẩy giá dầu tăng gần 60% kể từ giữa năm 2017.
Chuyên gia Slavov cho biết có yếu tố tác động ngược trong ngắn hạn bởi nhu cầu cao đỉnh điểm trong mùa đông tại bắc bán cầu sắp kết thúc. Nhiều nhà máy lọc dầu sẽ đóng cửa sau mùa đông để bảo dưỡng, dẫn đến các đơn hàng dầu thô ít đi. “Nhu cầu bắt đầu suy yếu do công suất lọc dầu được rút khỏi thị trường này”, ông Slavov nói thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần