Giá “vàng đen” nhảy vọt lên tới 60,65 USD/thùng trong ngày 11/10 sau khi cơ quan truyền thông Iran cho biết một tàu chở dầu mang tên Suezmax của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran đã bị tên lửa tấn công ở khu vực Biển Đỏ, gần Ả Rập Saudi.
Vụ tấn công mới nhất nhằm vào tàu chở dầu tại vùng Vịnh làm dấy lo ngại về nguy cơ sụt giảm nguồn cung dầu từ một trong những khu vực sản xuất dầu mỏ quan trọng của thế giới.
Công ty Chở dầu quốc gia Iran (NITC) hôm 11/10 thông báo tàu chở dầu Suezmax của nước này gần TP cảng Jeddah của Ả Rập Saudi cùng ngày có thể đã trúng 2 quả tên lửa, gây hư hại nặng và làm tràn dầu ra Biển Đỏ.
Thông báo của NITC cho biết thêm hiện tình trạng tàu Suezmax đã ổn định, những người trên tàu đang nỗ lực sửa chữa. Tuy nhiên, khác với các thông tin trước đó, NITC cho biết "không xảy ra cháy trên tàu" sau vụ tấn công trên.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Vịnh lên cao sau một loạt vụ tấn công và bắt giữ các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz, cũng như vụ tấn công các cơ sở lọc dầu chủ chốt của tập đoàn dầu mỏ của Ả Rập Saudi hôm 14/9.
Cụ thể, giá dầu Brent leo dốc 60 xu Mỹ, lên mức 59,70USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 76 xu Mỹ, lên tới 54,31 USD/thùng.
Cả hai mặt hàng dầu này đều ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ phiên 16/9, ngày giao dịch đầu tiên sau khi các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu quan trọng của Ả Rập Saudi khiến vương quốc dầu mỏ phải giảm hơn 50% sản lượng và đẩy giá “vàng đen” tăng khoảng 20%.
Tình hình căng thẳng ở Trung Đông đã leo thang sau những vụ tấn công các tàu chở dầu ở Eo biển Hormuz, một tuyến đường vận tải quan trọng của hoạt động thương mại dầu mỏ toàn cầu.
Nhà phân tích Olivier Jakob của Petromatrix các nhà giao dịch lo ngại mức phí bảo hiểm cho các tàu chở dầu đi qua khu vực này sẽ tăng mạnh cũng như gia tăng rủi ro về nguồn cung của thị trường dầu mỏ trước diễn biến nói trên.
Bên cạnh đó, đà tăng trong phiên này có được sau khi Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo cho biết tổ chức này có thể hành động để cân bằng thị trường dầu mỏ và trong tháng 12 tới sẽ quyết định về nguồn cung dầu mỏ cho năm tới.
Mặc dù ông Barkindo không nói rõ liệu OPEC có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng để bình ổn giá dầu hay không, song các bình luận trên dường như đã làm gia tăng hy vọng trên thị trường năng lượng.
Chuyên gia Phil Flynn tại Price Futures Group, nhận xét Tổng thư ký OPEC đang phát đi một tín hiệu rằng tổ chức này nghiêm túc trong nỗ lực hỗ trợ cho giá dầu.
Riyadh mới đây thông báo rằng sản lượng dầu theo tháng của nước này đã giảm 660.000 thùng dầu/ngày trong tháng 9/2019, sau các vụ tấn công nhằm vào 2 cơ sở lọc dầu chủ chốt của Saudi Aramco. Trong khi đó, OPEC cũng đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung dầu từ các nước ngoài khối trong năm 2020
Về nguồn cung, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 11/10 cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu đã phục hồi nhanh chóng sau các cuộc tấn công nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu của Saudi, thậm chí có thể phải đối mặt với tình trạng dư cung vào năm tới khi nhu cầu toàn cầu tăng chậm.
Triển vọng kinh tế gặp khó khăn trong năm 2020 đã khiến IEA giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ khoảng 100.000 thùng/ngày, xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày./.