Giá dầu tăng trở lại, không đáng ngại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu mỏ thế giới ngày 8/6 đã tăng phiên thứ 3 liên tiếp và xác lập mức cao kỷ lục mới kể từ đầu năm 2016.

Với các quốc gia xuất khẩu dầu, trong đó có Việt Nam, sự lên giá của "vàng đen" sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Chốt phiên giao dịch trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7 tăng lên mức 51,23 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8 lên mức 52,51 USD/thùng.

Thu hẹp chênh lệch cung - cầu

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Nigeria. Việc các phần tử cực đoan tấn công cơ sở dầu mỏ của Nigeria - một thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - đã khiến sản lượng dầu của nước này giảm từ 2,2 triệu thùng/ngày xuống 1,6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho thấy, lượng dầu thô dự trữ hồi tuần qua của nước này đã giảm 3,2 triệu thùng. Đây cũng là tuần thứ ba liên tiếp Mỹ chứng kiến lượng dầu thô dự trữ giảm.
Dầu tăng giá sẽ tác động tích cực đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu.
Dầu tăng giá sẽ tác động tích cực đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu.
Trước đó, giá dầu thế giới liên tục lao dốc trong suốt 2 năm qua, một mặt do nhu cầu giảm, mặt khác do tăng cung. Các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới như Mỹ, Ả Rập Saudi, Nga… bán ra thị trường ở mức kỷ lục và việc Iran quay trở lại thị trường nhiên liệu làm cho cung dầu luôn luôn cao hơn cầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Nigeria, Venezuela, Libya… đã xuất hiện. Sản lượng dầu của Nigeria xuống mức rất thấp do hàng loạt đường ống bị vỡ; các nhà máy sản xuất dầu ở Canada phải tạm ngừng sản xuất bởi cháy rừng; sản xuất dầu tại Libya bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị... Trong khi đó, nhu cầu dầu của Trung Quốc, Ấn Độ tăng, giúp chênh lệch cung - cầu dầu trên thế giới thu hẹp, đẩy thị trường năng lượng vào trạng thái hụt cung.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 20% và đang được dự đoán vượt qua mốc 50 USD/thùng, thậm chí có thể đạt 66 USD/thùng vào nửa cuối năm 2016. Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng mới của Ả Rập Saudi đã khẳng định: Giá dầu thô sẽ tăng trở lại mức 60 USD/thùng trong năm nay mà không cần sự giúp đỡ của OPEC. Điều cần làm nhất hiện nay của các nước OPEC là tiếp tục theo dõi thị trường bởi với những diễn biến gần nhất, thị trường dầu thô thế giới đang dần tự hồi phục và cân bằng trở lại.

4 kịch bản của Việt Nam khi giá dầu tiếp tục tăng

Giá dầu giảm đã tác động xấu đến sản xuất, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước. Do vậy, khi giá đầu thế giới tăng, hiện đã vượt qua mốc 50 USD/thùng tác động đến nhiều mặt của Việt Nam, đòi hỏi có giải pháp để tận dụng, tránh bị ảnh hưởng xấu.

Trước hết có thể đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới để cả năm có thể đạt được mức tăng 7,6%, hay sản lượng cả năm đạt gần 18 triệu tấn. Muốn vậy, trong các tháng còn lại phải khai thác được 12,74 triệu tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai là tăng xuất khẩu dầu thô. Nếu như giá dầu thế giới được dự đoán tăng như nêu ở trên thì kim ngạch xuất khẩu dầu thô sẽ có kết quả kép: Vừa góp phần tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, vừa tăng giá xuất khẩu, giảm lỗ, tăng lãi cho khai thác dầu thô.

Thứ ba, khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô tăng kép, thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô sẽ đạt dự toán năm cao hơn, góp phần giảm bớt mất cân đối thu/chi ngân sách.

Thứ tư, giá nhập khẩu xăng dầu có thể tăng lên, nhưng do giá vẫn còn thấp, nên vẫn có thể duy trì lượng nhập khẩu để đón đầu cơ hội phục hồi tăng trưởng, tiêu dùng ở trong nước; có thể giảm lượng nhập khẩu khi giá tăng cao...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần