Giá dầu tăng vọt sau khi Tổng thống Trump thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới trong phiên 9/5 tăng đạt mức cao nhất trong 3,5 năm sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Động thái của ông Trump có thể khiến nguồn dầu xuất khẩu từ Iran bị hạn chế trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu vốn dĩ đã bị thắt chặt gần đây.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao sau giao dịch ở mức 70,57 USD/thùng, tăng 2,2%. 
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao sau giao dịch ở mức 70,57 USD/thùng, tăng 2,2% và gần đạt đỉnh kể từ tháng 11/2014 trong phiên 7/5.  Giá dầu Brent giao sau tăng 2,5% lên 76,75 USD/thùng, mức cao nhất trong 3,5 năm.
Trong phiên giao dịch đêm qua, giá dầu đóng cửa trong trạng thái giảm, vì nỗi lo Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã được phản ánh nhiều vào giá dầu trước đó, và động thái của ông Trump không gây bất ngờ đối với thị trường. Tuy nhiên, sau một đêm, nỗi lo nguồn cung đã trở lại, đẩy giá dầu tăng.
"Sự kiện lớn của đêm qua là ông Trump hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran. Lệnh trừng phạt sẽ được tái áp lên Iran và sẽ ảnh hưởng ngay lập tức lên xuất khẩu dầu của Iran", chuyên gia cao cấp về thị trường Norihiro Fujito tại chứng khoán Morgan Stanley phát biểu trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể được thiết lập trở lại sau 180 ngày, trừ phi hai bên đạt được một thỏa thuận mới trước thời hạn đó, theo Reuters.
Iran trở lại vị trí cường quốc xuất khẩu dầu vào năm 2016 sau khi được dỡ lệnh trừng phạt quốc tế. Trong tháng 4 vừa qua, nước này xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu/ngày, giữ vị trí nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sau Ả Rập Saudi và Iraq.
Theo báo cáo của Ngân hàng ANZ, quyết định của ông Trump "đặt ra một kịch bản trong đó nguồn cung dầu lửa có thể bị thắt chặt mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2018 và trong năm 2019".
Hiện vẫn chưa rõ liệu thị trường dầu mỏ thế giới sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức độ nào.
Mỹ không mua dầu của Iran, trong khi một số cường quốc khác ký thỏa thuận hạt nhân với Tehran - bao gồm Nga, Anh, Pháp và Đức - phản đối việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và có thể sẽ tiếp tục mua dầu của nước này.
Hiện châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Iran. Nhiều khả năng các khách hàng tại khu vực này vẫn mua một phần dầu của Iran như đã làm trước đây khi Tehran chịu lệnh trừng phạt.
"Có những lo ngại rằng xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm 1 triệu thùng mỗi ngày từ mức hiện nay", ông Tomomichi Akuta, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Mitsubishi UFJ Research and Consulting ở Tokyo, phát biểu. "Nguồn cung - cầu dầu toàn cầu hiện tương đối cân bằng, nhưng cán cân này sẽ thay đổi nếu nguồn cung bị hạn chế. Giá dầu có thể tăng thêm ít nhất 10 USD/thùng, trong đó giá dầu Brent sẽ hướng tới mốc 90 USD/thùng", ông Akuta nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần