Giá dầu đã tăng vọt trong phiên này sau khi chứng kiến đà giảm mạnh trong tuần này, nhờ tuyên bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng dịch bệnh viêm phổi do virus corona có nguồn gốc từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Trước đó, tối 30/1 WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona (2019-nCoV). Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.
Trước đó, giá dầu giảm mạnh vào ngày 30/1, trong đó dầu WTI đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2019, khi mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế từ sự lây lan liên tục của virus corona
Giá dầu thế giới đã giảm gần 4% tính đến ngày 30/1, trước khi hồi phục ở phiên giao dịch cuối tuần trong bối cảnh các thương nhân lo ngại việc virus corona chết người lây lan sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
“WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu đối với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, nhưng yếu tố hỗ trợ thị trường năng lượng trong phiên này là tổ chức này khuyến nghị rằng việc hạn chế đi lại và thương mại là không cần thiết” - nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA ở New York nhận xét.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 31/1, giá dầu Brent tăng 90 xu Mỹ, lên mức 59,19 USD/thùng, sau khi giảm 2,5% trong phiên trước đó. Tuy nhiên, giá mặt hàng dầu này đang trên đà chứng kiến mức sụt 2,5% trong tuần.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ leo dốc tới 1,03 USD, đặt mức 53,17 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã giảm 2,2% trong phiên 30/1 và sắp ghi nhận mức giảm hơn 1,9% trong tuần.
WHO hôm 30/1 tuyên bố rằng dịch viêm phổi do virus corona ở Trung Quốc, đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người tại nước này, lây lan ra tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc và đã lan sang khoảng 18 quốc gia, là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Bất chấp thông báo của WHO và sự phục hồi của giá vào thứ Sáu, các nhà phân tích vẫn thận trọng và cảnh báo về những rủi ro giảm giá hơn nữa nếu virus tiếp tục lây lan.
Nhà phân tích Moya cho biết: “Giá dầu đã giảm tới 13% từ đầu tháng đến nay, hiện là thời điểm giá mặt hàng này có thể phục hồi được”.
Tuy nhiên, ông Moya cho rằng thị trường dầu mỏ vẫn đang chịu áp lực trong thời gian tới mặc dù có những tín hiệu lạc quan rằng virus corona có thể sớm được kiểm soát.
“Chúng tôi ước tính nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi 500.000 thùng mỗi ngày khi Trung Quốc hạn chế du lịch nước ngoài và các hãng vận tải quốc tế tạm dừng các chuyến bay đến vùng dịch” - Ngân hàng ANZ lưu ý khách hàng hôm 31/1.
Bên cạnh đó, giá dầu trong phiên này cũng được hỗ trợ từ thông tin cho biết Ả Rập Saudi dự định tổ chức sớm cuộc họp thảo luận về chính sách điều hành sản lượng vào đầu tháng 2 do giá dầu liên tục lao dốc trong thời gian gần đây.
Trong những ngày gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, có thể đang xem xét gia hạn hoặc gia tăng thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi do virus corona đối với nhu cầu dầu mỏ.
Reuters cho biết Ả Rập Saudi đã thảo luận về việc chuyển cuộc họp của nhóm OPEC+ từ tháng 3 sang đầu tháng 2 tới./.