Giá dầu thế giới chứng kiến tuần leo dốc đầu tiên trong gần 1 tháng

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường năng lượng ghi nhận đà tăng giá trong hầu hết các phiên giao dịch, tính chung giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 2% và giá dầu Brent vọt 3,2% trong tuần.

Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi dữ liệu cho thấy số giàn khoan dầu đá phiến của Mỹ đang hoạt động vẫn ổn định trong tuần này.
Giá “vàng đen” biến động trái chiều trong phiên đầu tuần, tuy nhiên thị trường dầu thế giới giao dịch khởi sắc trong bốn phiên còn lại trong tuần và chạm đỉnh kể từ năm 2015 trong phiên cuối tuần.
Trong ngày 18/12, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ và giá dầu Brent Biển Bắc, 2 mặt hàng chủ chốt trên thị trường đi ngược chiều nhau. Giá dầu Brent leo dốc trước thông tin đường ống dẫn dầu Forties tại Biển Bắc tạm đóng cửa để khắc phục sự cố rò rỉ và cuộc đình công trong ngành năng lượng ở Nigeria.
Trong khi đó, giá dầu WTI lại chịu sức ép giảm giá do tâm lý lo ngại về xu hướng tăng sản lượng khai thác của Mỹ. 
 Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần.
Đến phiên dịch ngày 19/12, giá dầu thế giới gia tăng giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu chính thức về lượng dự trữ dầu của Mỹ.
Trong 2 phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu thế giới tiếp tục đi lên do báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm mạnh hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, giá dầu nhận được sự hỗ trợ tích cực từ việc hệ thống đường ống dẫn dầu Forties tại khu vực Biển Bắc thuộc Anh tiếp tục ngừng hoạt động.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 15/12 đã giảm 6,5 triệu thùng, vượt mức giảm dự báo của giới phân tích.
Hiện lượng dự trữ dầu thô của Mỹ, không tính kho dự trữ dầu chiến lược, ở mức 436,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015.
Sự sụt giảm kho dầu dự trữ là do Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và nỗ lực kiềm chế nguồn cung của một số nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt. 
Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần (22/12), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 11 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 58,47 USD/thùng. Tuần qua, loại dầu này đã tăng 2%, ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên trong 3 tuần.
Hợp đồng dầu Brent tiến 35 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 65,25 USD/thùng, nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 3,2%.
Hợp đồng dầu WTI nới rộng đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp, còn hợp đồng dầu Brent tăng giá 5 phiên liền.
Dữ liệu từ Baker Hughes công bố hôm 22/12 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ không thay đổi ở mức 747 giàn trong tuần này
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao số lượng giàn khoan tại Mỹ trong bối cảnh thị trường hiện đang lo ngại rằng các nhà sản xuất dầu từ đá phiến có thể gia tăng sản lượng vào năm tới khi giá dầu leo cao.
Giá dầu đã phục hồi trong năm nay nhờ tác động của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước sản xuất dầu lớn.
Việc đóng cửa Hệ thống đường ống dẫn dầu Forties ở Biển Bắc chính là mối quan tâm chính của nhà đầu tư trong tuần này.
Đường ống dẫn dầu Forties đã tạm ngừng hoạt động vào tuần trước sau khi nhà khai thác Ineos phát hiện một vết nứt trên đường ống, phải ngừng hoạt động vận chuyển 450,000 thùng/ngày ở Biển Bắc. Việc thắt chặt nguồn cung đã hỗ trợ giá dầu trong tuần qua.
Tuy nhiên, hôm thứ Năm, Ineos cho biết Công ty này dự kiến hoàn thành công tác sửa chữa và đưa đường ống dẫn dầu hoạt động bình thường vào đầu năm mới.
Giá dầu vẫn duy trì gần mức cao nhất từ năm 2015 sau khi Ả Rập Saudi và Nga cam kết rằng bất kỳ kế hoạch ngưng thỏa thuận cắt giảm sản lượng đều sẽ diễn ra từ từ.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ dừng thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng một cách từ từ, nhưng cũng có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung.
Giá "vàng đen” đã phục hồi trong năm nay nhờ tác động của thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày của OPEC và các quốc gia sản xuất chủ chốt khác, đồng thời kho dầu dự trữ tại các nền kinh tế phát triển cũng giảm đáng kể.
Được biết, giá dầu thô đã leo dốc hơn 20% kể từ tháng 9/2017, do rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Đông, sự sụt giảm của dự trữ dầu toàn cầu và nỗ lực không ngừng của OPEC nhằm hạn chế nguồn cung.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, Bakhit al-Rashidi cho biết, mức độ tuân thủ thỏa thuận trên hiện đạt 122%, mức cao nhất kể từ khi thỏa thuận này đi vào thực thi. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần