Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tiến sát 70 USD, ghi nhận tuần leo dốc thứ 7 liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu khởi sắc trong tuần qua khi giá dầu Brent leo dốc 5,2%, chứng kiến tuần tăng thứ 7 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất từ tháng 12/2020.

Giá nhiên liệu suy yếu trong các phiên đầu tuần, song nhờ đà phục hồi mạnh vào cuối tuần đã giúp thị trường năng lượng có tuần giao dịch khởi sắc nhất kể từ đầu năm.
Giá “vàng đen” giảm trong 2 phiên đầu tuần do lo ngại tiêu thụ dầu thô tại Trung Quốc đang chậm lại và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC+, có thể nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
 Giá dầu tiếp tục tăng mạnh và ghi nhận tuần leo dốc thứ 7 liên tiếp.
Tuy nhiên, giá dầu đảo chiều tăng gần 3% trong phiên giao dịch ngày 3/3, nhờ dữ liệu cho thấy tồn kho xăng của Mỹ giảm mạnh và một số kỳ vọng rằng nhóm OPEC+ có thể không quyết định tăng nguồn cung khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 4/3.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho xăng của nước này giảm kỷ lục trong tuần trước và sản lượng của các nhà máy lọc dầu tụt xuống mức thấp chưa từng thấy do ảnh hưởng của đợt lạnh giá ở bang Texas - khu vực sản xuất dầu chủ đạo của Mỹ.
Trong đó, tồn kho xăng giảm còn 243,5 triệu thùng; tồn kho các sản phẩm chưng cất giảm mạnh nhất từ năm 2003, còn 143 triệu thùng.
Trong khi đó, lượng tồn kho dầu thô tăng kỷ lục 21,6 triệu thùng, đạt 484,6 triệu thùng, EIA cho hay. Đó là do các nhà máy lọc dầu chỉ hoạt động ở mức 56% công suất, mức thấp nhất trong lịch sử. Thậm chí, các nhà máy lọc dầu bên bờ Vịnh Mexico chỉ hoạt động ở mức 40,9% công suất, cũng là mức thấp chưa từng thấy.
Sang phiên ngày 5/3, giá dầu tiếp tục tăng vọt 3%, chạm mức đỉnh hơn 1 năm sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tốt hơn dự báo và nhóm OPEC+ quyết định không nâng sản lượng trong tháng 4 tới.
Cụ thể, giá dầu Brent tương lai tăng 2,62 USD (tương đương 3,9%) lên 69,36 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu này có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng cộng 2,26 USD (tương đương 3,5%) lên 66,09 USD/thùng.
Trong tuần qua, giá dầu Brent đã tăng 5,2%, leo dốc 7 tuần liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 7,4% sau khi tăng gần 4% trong tuần trước.
Cả hai mặt hàng dầu chủ chốt đều tăng hơn 4% trong phiên ngày thứ Năm sau khi liên minh OPEC+ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu vào tháng 4, ngoại trừ Nga và Kazakhstan được phép tăng nhẹ nguồn cung.
“OPEC+ đã thận trọng khi quyết định chỉ tăng thêm 150.000 thùng/ngày từ tháng 4/2021, trong khi các thương nhân dự đoán nguồn cung toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày”, nhà phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của UBS nhận xét.
Giới đầu tư đã rất ngạc nhiên khi Ả Rập Saudi quyết định duy trì mức giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 4 ngay cả sau đợt tăng mạnh của giá dầu trong 2 tháng đầu năm nhờ các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
“Tôi không nghĩ giá dầu sẽ tăng quá nóng”, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman nói với các phóng viên sau cuộc họp chính sách hôm 4/3. Trong năm ngoái, các nước OPEC+ chịu nhiều thiệt hại vì Covid-19 và hiện cần phải thận trọng về triển vọng phục hồi nhu cầu” – Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman cho hay.
Theo thỏa thuận của OPEC+, Nga và Kazakhstan được phép nâng sản lượng thêm 130.000/thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày trong tháng 4/2021. Nhóm OPEC+ sẽ họp mặt vào ngày 1/4 tới để thảo luận về chính sách điều hành sản lượng cho tháng 5/2021.
Một số nhà dự báo đã điều chỉnh dự báo giá dầu sau quyết định của nhóm OPEC+.
Theo đó, Goldman Sachs đã tăng dự báo giá dầu thô Brent thêm 5 USD lên 75 USD/thùng trong quý II/2021 và 80 USD/thùng trong quý III/2021. Ngân hàng UBS cũng đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 75 USD/thùng và dầu WTI lên 72 USD trong nửa cuối năm nay.
Báo cáo từ Goldman Sachs cho biết, từ nay đến cuối tháng 7, mức tiêu thụ dầu của thế giới sẽ quay trở lại ngưỡng trước khi đại dịch xuất hiện. Trong khi đó, sản lượng khai thác của các nước sản xuất dầu lớn có khả năng sẽ tiếp tục "kém linh hoạt hơn nhiều" so với tốc độ tăng của giá dầu.
Đà tăng mạnh của giá “vàng đen” trong phiên cuối tuần một phần cũng nhờ lực đẩy từ báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 2.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA cho biết, báo cáo tích cực về bảng lương phi nông nghiệp cho thấy mức tiêu dùng của người Mỹ sắp phục hồi như trước đại dịch, điều sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu về dầu thô.
Tuy nhiên, các thương nhân cũng lưu ý rằng việc đồng USD tăng cao và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2020 đang hạn chế đà tăng của giá dầu thô. Đồng USD mạnh hơn khiến giá nhiên liệu trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.