Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục lập kỷ lục mới, vượt ngưỡng 1.000 USD/1.000m3

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng tới 11% trong phiên ngày thứ Ba và lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 1.000 USD/1.000m3

Chốt phiên giao dịch ngày 28/9, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 10 tại sàn giao dịch TTF của Hà Lan đã nhảy vọt 11% lên mức 1.031,3 USD USD/1.000m3.
 Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục lập kỷ lục mới trong ngày 28/9 khi vượt mức 1.000 USD/1.000m3. Ảnh: Tass 
Trước đó, giá khí đốt tại châu Âu đã thiết lập mức cao nhất trong lịch sử ở phiên ngày 15/9 khi tăng vọt lên gần 950 USD/1.000m3. Giới chuyên gia Nga hồi đầu tháng này đã dự đoán giá khí đốt có thể sớm chạm ngưỡng 1.000 USD/1.000m3 do nhu cầu khí đốt tăng cao tại châu Âu khi lo ngại thiếu nguồn dự trữ năng lượng vào mùa đông sắp tới.
Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tranh luận về việc thúc đẩy nguồn cung khí đốt của Nga thông qua tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 vừa hoàn thành, kỳ vọng có thể giải quyết một số vấn đề về nguồn cung cho châu Âu trong vài tháng tới sau khi chính thức vận hành.
Công suất hàng ngày của tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 tương đương với toàn bộ khối lượng khí đốt hóa lỏng đang được cung cấp cho châu Âu. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 dài 1.224 km, trị giá 11 tỷ USD, bao gồm hai đường ống có khả năng cung cấp tới 55 tỷ mét khối khí tự nhiên hàng năm từ Nga sang châu Âu qua Biển Baltic.
Trước tình trạng giá khí đốt tăng kỷ lục gần đây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/9 tuyên bố tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom quan tâm đến các hợp đồng tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu và "sẵn sàng cho mọi đề nghị tăng nguồn cung".
Trước đó, Gazprom bị Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và một số nghị sỹ tại Nghị viện châu Âu (EP) chỉ trích là làm chưa đủ để tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu, khiến giá mặt hàng này tăng cao.
Về vấn đề, ông Peskov tái khẳng định rằng Gazprom đã tuân thủ đúng các cam kết của mình trong các hợp đồng với châu Âu.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/9, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, các chính sách năng lượng sạch không phải là nguyên nhân gây ra những đợt tăng đột biến gần đây về giá khí đốt và điện, đồng thời giá tăng cao sẽ không làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi xanh của khu vực châu Âu.
Phát biểu tại một cuộc họp của các ủy ban năng lượng và môi trường của Nghị viện châu Âu, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nói rằng các chính sách khí hậu không phải là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá đột biến của điện và khí đốt. "Sẽ không chính xác và không công bằng khi giải thích giá năng lượng cao này là kết quả của các chính sách chuyển đổi năng lượng sạch. Điều này là sai lầm", ông cho biết.
Theo ông Birol, giá năng lượng toàn cầu tăng cao là do các yếu tố bao gồm mức dự trữ khí đốt thấp và tình trạng ngừng hoạt động ngoài kế hoạch tại các cơ sở sản xuất.
IEA tuần trước cho biết, Nga có thể làm nhiều hơn nữa để giúp giảm bớt các vấn đề cung cấp khí đốt ở châu Âu.
Châu Âu đang đối mặt với tình trạng giá điện tăng khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch  Covid-19 và mùa Đông đang đến gần, trong khi nguồn dự trữ khí tự nhiên ở mức thấp đáng lo ngại./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần