Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá khí đốt tại châu Âu vọt lên mức cao nhất trong 3 tháng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nước châu Âu đang đẩy mạnh việc lấp đầy các kho dự trữ khí đốt trong bối cảnh gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung năng lượng từ Nga.

Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh trong phiên ngày 30/6. Ảnh: Tass
Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh trong phiên ngày 30/6. Ảnh: Tass

RT đưa tin, giá khí đốt tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 30/6 đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong 3 tháng do thị trường quan ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh Nga cắt giảm lượng khí đốt sang khu vực này.

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch London, giá hợp đồng khí đốt kỳ hạn giao tháng 8 trên trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan tăng 6,4%, lên tới 1.630 USD/1.000m3, mức cao nhất kể từ ngày 10/3.

Châu Âu hiện đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng vào mùa đông tới nếu các kho không được trữ đầy trong khi Nga đang cắt giảm nguồn cung khí đốt sang khu vực này.

Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom hôm 14/6 vừa qua tuyên bố giảm 60% nguồn cung sang châu Âu qua tuyến đường ống Nord Stream 1 với lý do tua-bin nén khí được đưa đi sửa chữa ở Canada và chậm trễ bàn giao do lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Nord Stream 1 là đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Trong khi đó, tuyến đường ống Nord Stream 1 dự kiến sẽ tạm ngừng hoạt động trong thời gian tiến hành bảo trì từ ngày 11-21/7 tới, theo nhà điều hành Nord Stream AG.

Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng từ Moscow giảm mạnh, các doanh nghiệp châu Âu nhập khẩu khí đốt Nga đang tìm kiếm các nguồn cung nhiên liệu thay thế, thậm chí còn cân nhắc quay trở lại sử dụng than đá để bù đắp nguồn khí đốt thâm hụt từ Nga.

Công ty dầu khí khổng lồ Eni của Italia cho biết doanh nghiệp này đã nhận được thông báo từ phía tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom rằng Eni sẽ chỉ nhận được một phần khí đốt theo yêu cầu của công ty. Thực tế này khiến Italia đối mặt với việc có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó có thể dẫn tới việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm khí đốt.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga, tháng trước đã công bố kế hoạch tăng lượng dự trữ khí đốt và cho biết có thể tái khởi động các nhà máy nhiệt điện mà nước này từng định đóng cửa.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng đây là thực tế đau lòng, song nếu không làm vậy, các kho dự trữ khí đốt sẽ không đủ đầy để cung cấp cho người dân qua mùa Đông năm nay. Ông Habeck cũng cho biết chính phủ sẽ giới thiệu một hệ thống đấu giá mới, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp giảm tiêu thụ khí đốt.

Cơ quan Lưới điện Liên bang Đức cho rằng thông báo giảm nguồn cung của Gazprom là dấu hiệu cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của Đức khó có thể được lấp đầy trước mùa đông và than là lựa chọn mà Đức buộc phải nghĩ tới.

Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 cũng do thị trường lo ngại những tác động với nguồn cung toàn cầu nếu nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) xem xét áp đặt biện pháp đặt giá trần với năng lượng xuất khẩu của Nga.