Giá đồng tương lai ba tháng trên sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) đã vượt mức 10.000 USD/tấn vào thứ năm tuần trước lần đầu tiên kể từ đầu tháng 7. Giá đồng đạt 10.158 USD/tấn, đánh dấu mức cao nhất trong khoảng bốn tháng. Trước đó, kim loại này tăng 6% vào tháng 9.
Với nhiều ứng dụng từ ô tô điện đến cơ sở hạ tầng, đồng được coi là chỉ báo hàng đầu về sức khỏe kinh tế. Các kim loại màu khác cũng đang cho thấy những dấu hiệu tương tự. Giá nhôm tương lai trên LME đã đạt mức cao nhất trong bốn tháng là 2.659 USD/tấn vào thứ sáu và kẽm cũng đang tăng.
Giá đồng tăng vào tháng 9 trùng với đợt cắt giảm lãi suất lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tháng đó, làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế nước này có thể hạ cánh nhẹ nhàng. Động lực tăng giá đó đã được duy trì sau những động thái gần đây của Trung Quốc.
Vào thứ Ba tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp kích thích, bao gồm việc giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Chính phủ cũng đang thực hiện các bước để hỗ trợ thị trường bất động sản và chứng khoán.
Trung Quốc tiêu thụ khoảng 60% lượng đồng của thế giới. Vào tháng 5, giá đồng tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại trên 11.100 USD/tấn. Sau đó là đợt bán tháo khiến kim loại này xuống mức thấp nhất là khoảng 8.700 USD, chủ yếu là do sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Một dấu hiệu cho thấy nhu cầu của Trung Quốc đang phục hồi có thể thấy ở mức phí bảo hiểm được trả trong các giao dịch giao ngay đối với đồng thỏi. Mức phí bảo hiểm phản ánh giá vận chuyển, hoa hồng và nhu cầu tại địa phương.
Mức phí bảo hiểm trên thị trường giao ngay Thượng Hải lên tới 63 USD/tấn vào cuối tháng 9. Mức phí bảo hiểm đã tăng sau khi giảm xuống mức âm hiếm hoi từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7 khi nhu cầu giảm mạnh.
Takayuki Homma - nhà kinh tế trưởng tại Sumitomo Corp. Global Research cho biết: "Trung Quốc theo truyền thống đã tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ kinh tế, không chỉ với gói kích thích vào cuối tháng 9, và các khoản phí bảo hiểm đang cho thấy dấu hiệu dự đoán nhu cầu sẽ phục hồi trong tương lai".
Tuy nhiên, không ít nhà quan sát vẫn cảnh giác về triển vọng của đồng. Vào đầu tháng 9, Goldman Sachs đã cắt giảm mục tiêu năm 2025 xuống còn 10.100 USD từ 15.000 USD, lập luận rằng sự suy thoái liên tục của bất động sản Trung Quốc có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn để tồn kho đồng và giá đồng chạm đáy.
Dữ liệu cũng cho thấy tình trạng dư cung, mặc dù giá đã ở mức cao kỷ lục. Theo Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế, bảy tháng đầu năm nay đã chứng kiến thặng dư đồng là 527.000 tấn, cao hơn nhiều so với mức cung vượt cầu là 79.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.
Tomomichi Akuta - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting, cho biết: "Có ấn tượng rằng kỳ vọng về nhu cầu của Trung Quốc đã vượt quá mong đợi, khiến người mua quay trở lại vì họ lo ngại mình sẽ chậm chân trong đợt tăng giá".