99,93% đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản ngân hàng
Huyện Gia Lâm, TP Hà Nội có tổng số 9.481 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (ASXH), bao gồm người có công và người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 61/UBND-KSTTHC ngày 07/01/2024 của UBND TP Hà Nội, ngày 08/01/2024, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Công văn hỏa tốc số 70/UBND-LĐTBXH yêu cầu các Phòng LĐTB&XH, Tài chính – Kế hoạch, Văn hóa & Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao, Công an huyện và 22 xã, thị trấn tập trung chỉ đạo thúc đẩy chi trả ASXH không dùng tiền mặt trên toàn địa bàn.
Tính đến chiều ngày 16/01/2024, toàn huyện Gia Lâm đã có 9.424/9.431 đối tượng thực hiện đăng ký tài khoản, đạt 99,93% đối tượng đủ điều kiện mở tài khoản, còn 57 trường hợp hưởng chính sách ASXH chưa đăng ký tài khoản, trong đó có 50 trường hợp thuộc diện bất khả kháng do ốm đau, bệnh tật, không đi lại được hoặc nằm bệnh viện hoặc đang đi vắng không ở tại địa phương… và 7 đối tượng chưa thống nhất đăng ký tài khoản.
Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm Lê Thị Kim Châu cho hay: Trong những ngày qua (từ ngày 11/01 đến 16/01/2024), các cấp, ngành,đoàn thể của huyện và lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của 22 xã, thị trấn đã vào cuộc rất tích cực, làm việc không kể giờ giấc, cả 2 ngày nghỉ cuối tuần để đạt được kết quả trên. Không chỉ vậy, cán bộ xã đã trực tiếp đi đến tận nhà gần 100 đối tượng (khoảng 1%) còn băn khoăn không đăng ký tài khoản để vận động, giải thích.
Để khuyến khích người dân hưởng chính sách ASXH thực hiện chuyển đổi số, UBND huyện Gia Lâm đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ các đối tượng về số dư duy trì tài khoản và các khoản phí liên quan đến duy trì tài khoản và giao dịch, đặc biệt là phí rút tiền mặt tại các cây ATM khác hệ thống ngân hàng mà đối tượng mở tài khoản.
Trong đó, đáng chú ý, ở một xã có gần 20 trường hợp cứ người nọ trông người kia, không đăng ký tài khoản, cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm đã cùng lãnh đạo và cán bộ LĐTB&XH xã, Công an xã đến tận nơi gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích những ưu việt khi nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Kết quả là, đến 12 giờ trưa ngày 16/01, tất cả các bác đã đồng thuận mở tài khoản. Tuy nhiên, có 8 trường hợp chưa nhận tiền qua tài khoản ngay vì còn muốn xem xét, tham khảo các dịch vụ liên quan, Phòng LĐTB&XH huyện sẽ phối hợp với tổ chức dịch vụ thực hiện chi trả tiền mặt đến tận tay các bác theo đúng chỉ đạo của TP, Sở LĐTB&XH Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm.
Đối với các trường hợp bị ốm nằm bệnh viện, đang đi vắng, không ở tại địa phương hoặc chưa thông suốt mở tài khoản ngân hàng thì cán bộ xã và các đoàn thể sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để họ mở tài khoản nhận tiền trợ cấp, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.
Cán bộ làm việc cả ngày nghỉ
Trong việc thực hiện chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt ở lĩnh vực LĐTB&XH tại huyện Gia Lâm, rất nhiều người cao tuổi lúc đầu rất băn khoăn. Ông Phạm Quang Lễ (sinh năm 1943, địa chỉ: Tổ dân phố Nội Thương, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - Phó Trưởng Ban Liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Gia Lâm cho hay: Suy nghĩ ban đầu của những người già, nhất là các cụ 80, 90 tuổi cảm thấy rất khó khăn khi đi đến cây ATM để rút tiền. Các cụ không rành những thao tác, đưa thẻ vào máy ATM nhỡ may không lấy ra được thì biết làm sao... Nhưng sau khi được cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện, cán bộ xã Dương Xá và Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Gia Lâm tuyên truyền, tất cả trên 80 thành viên Ban liên lạc đã mở tài khoản hoặc ủy quyền cho con cháu nhận thay qua tài khoản.
“Chuyển đổi số là chủ trương tốt của Nhà nước và cũng tạo điều kiện cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH quản lý và rút tiền bất cứ lúc nào và ở đâu mà mình muốn. Chính sách này có lợi cho người dân nên chúng tôi đã thực hiện ngay khi được tuyên truyền, vận động” – ông Phạm Quang Lễ khẳng định.
Trên địa bàn xã Dương Xá, huyện Gia Lâm có 415 đối tượng hưởng chính sách ASXH, bao gồm 135 người có công và 280 đối tượng bảo trợ xã hội. Ngay khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên về thực hiện chuyển đổi số chi trả ASXH không dùng tiền mặt, UBND xã Dương Xá đã xây dựng kế hoạch và mời lãnh đạo thôn, tổ trưởng tổ chính sách đến dự hội nghị phổ biến, tuyên truyền về chủ trương này. Đến ngày 12/1, lãnh đạo xã đã mời các đối tượng hưởng chính sách ASXH đến Hội trường Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Dương Xá; và phối hợp với Ngân hàng Agribank để hỗ trợ làm thủ tục mở tài khoản mới, ủy quyền mở tài khoản, cập nhật thông tin những trường hợp đã có tài khoản...
Cũng như cán bộ huyện, các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Gia Lâm, những ngày qua, chị Đỗ Thị Hương là công chức LĐTB&XH xã Dương Xá đã làm việc cả ngày nghỉ tới tối muộn, thậm chí có hôm thức tới đêm khuya để đảm bảo tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt.
“Ban ngày tôi phối hợp với các đoàn thể, các thôn, tổ dân phố vừa tuyên truyền vận động vừa hỗ trợ những đối tượng ASXH làm thủ tục. Đến buổi tối khi về nhà, tôi tiếp tục nhập dữ liệu đến khoảng 12 giờ đêm rồi cho các con đi ngủ. Đến khoảng 2 giờ sáng tôi thức dậy tiếp tục cập nhật thông tin mở tài khoản, ủy quyền của các đối tượng vào bảng biểu. Gần 7 giờ sáng, tôi gọi các con dậy đi học, còn mình tới UBND xã làm việc. Với sự quyết tâm thực hiện, đến chiều 16/1 xã Dương Xá hoàn thành việc lấy thông tin và mở tài khoản cho các đối tượng ASXH đạt 99,3% ” – chị Đỗ Thị Hương chia sẻ.
Trưởng phòng LĐTB&XH Lê Thị Kim Châu cho rằng, để khuyến khích người dân thuộc đối tượng hưởng chính sách ASXH đăng ký tài khoản ngân hàng, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt mang lại kết quả tốt thì điều quan trọng là sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của lãnh đạo huyện Gia Lâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong khi vận động sẽ gặp người nọ, người kia vì thế cán bộ cần phải có cách cư xử mềm mỏng, khôn khéo. Và đặc biệt, trong quá trình làm việc, cán bộ phải tạo được uy tín, sự tin tưởng của các đối tượng thì lúc này tiếng nói mới có trọng lượng.