KTĐT - Trước tình trạng giá lương thực tại nhiều quốc gia tiếp tục leo thang, ngày 6/4, Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) đã cảnh báo, giá lương thực toàn cầu tăng cao có thể làm chậm 5 năm tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước trong khu vực.
Theo UNESCAP, giá lương thực thế giới tăng cao đã ngăn cản gần 20 triệu người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thoát khỏi đói nghèo trong năm 2010. Khoảng 42 triệu người nữa ở khu vực này có thể rơi vào đói nghèo nếu giá lương thực và giá dầu tiếp tục leo thang trong thời gian dài. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng ước tính, nếu giá lương thực tăng thêm 10% thì châu Á sẽ có thêm 64 triệu người nghèo, chiếm hơn 7% dân số. Đặc biệt, giá lương thực cao đã làm tăng sức ép lạm phát khắp các nước trong khu vực và là nguy cơ hàng đầu đe dọa phục hồi kinh tế trong năm 2011.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức lương thực thế giới FAO cho rằng, tuy giá lương thực toàn cầu trong tháng 3 đã giảm từ mức kỷ lục của tháng 2 do giá lúa mỳ và ngô đã phần nào "hạ nhiệt". Nhưng nguồn cung lương thực eo hẹp và giá dầu tăng cao sẽ tạo đà tăng cho chỉ số này trong thời gian tới. Ngoài ra, bất ổn chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, thảm hoạ động đất và sóng thần tại Nhật Bản là những tác nhân chính khiến giá lương thực quay đầu tăng trong tháng 4. Bên cạnh đó, giới đầu tư đang lo ngại thời tiết xấu tại nhiều nước sản xuất và xuất khẩu lớn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng. Giá gạo - lương thực chính của người dân châu Á sẽ tăng cao trong thời gian tới do xu hướng tăng mua tạm trữ của một loạt quốc gia trong khu vực từ trung tuần tháng 3 đến nay. Trong khi Thái Lan và Việt
Tại Ấn Độ, lạm phát giá lương thực vẫn ở mức cao trong nhiều tháng bất chấp Chính phủ nước này đã nâng lãi suất 8 lần trong 1 năm qua. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc lần đầu tiên nhập khẩu ngũ cốc sau vụ thu hoạch kém và điều này sẽ khiến giá ngũ cốc thế giới tăng cao. Theo ông, việc tăng giá nông lâm thủy sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân, vì thế Chính phủ Hàn Quốc cần quản lý tốt quá trình phân phối để người tiêu dùng có thể mua được nông sản với giá rẻ.
UNESCAP cho rằng, không một quốc gia nào có thể hành động đơn lẻ để ổn định giá lương thực. Tổ chức này nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác khu vực thông qua các kho dự trữ lương thực chung và khẳng định sự mất cân bằng cung cầu lương thực toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất nếu các nước nhập khẩu lương thực hiện nay tăng sản lượng. Sáng kiến chính sách quan trọng nhất đối với các nước đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên thúc đẩy phát triển nông nghiệp.