Gia tăng áp lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi Quốc hội mới của Hy Lạp đang bận rộn với lễ nhậm chức, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) đã phát đi thông báo sẽ không thu mua trái phiếu Chính phủ của nước này kể từ ngày 11/2 tới.

Đây được coi là cảnh báo về khả năng hệ thống ngân hàng Hy Lạp không còn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tối hậu thư của ECB

Với quyết định này, trái phiếu của Hy Lạp đã bị loại ra khỏi danh sách tài sản đảm bảo của ECB và sẽ không được mua bán trên thị trường tài chính của Eurozone. Quyết định mới của ECB được xem như “tối hậu thư” với chính phủ non trẻ của tân Thủ tướng Alexis Tsipras đang nỗ lực đàm phán với từng nước lớn của Liên minh châu Âu (EU) về các điều khoản của chương trình cứu trợ. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Hy Lạp đã giảm tới hơn 25%, như quyết định của ECB, trong khi thị trường chứng khoán nước này ngay khi mở cửa phiên 5/2 đã giảm gần 9%. Ngoài ra, trước khi không được giao dịch trên thị trường chưa đầy một tuần, lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 3 năm đã tăng lên gần 20% - mức cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ vỡ nợ. Động thái này được các nhà quan sát nhìn nhận như một toan tính chính trị nhằm buộc Athens phải cẩn trọng hơn khi ngồi vào bàn đàm phán giống như bước đi được ECB thực hiện với Ireland năm 2010, Tây Ban Nha và Italia (2011), CH Síp (2013).

 
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Những chính sách tài chính mà ECB thực hiện để can thiệp chính trị đã bị nhiều chuyên gia phê phán là tác nhân chính định hình con đường mà Eurozone phải đi trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua. Lần này cũng vậy, quyết định của ECB là một đòn giáng mạnh vào chính phủ của Thủ tướng Tsipras vì thời gian để đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận mới cạn dần khi gói cứu trợ đang được giải ngân sẽ kết thúc vào cuối tháng Hai. Các tổ chức tài chính của Hy Lạp dù vẫn được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp qua Ngân hàng T.Ư Hy Lạp nhưng việc ECB sẽ xem xét mức độ an toàn của hệ thống thanh toán này hai tuần/lần chắc chắn sẽ gây sức ép buộc Athens phải thu hẹp các đòi hỏi để được giải ngân gói cứu trợ mới.

Sự đáp trả của Athens

Thị trường tài chính của Hy Lạp bao trùm bầu không khí sợ hãi ngay trong ngày Quốc hội mới nhậm chức không phải là điều mà Athens muốn bởi nỗ lực tiếp cận nguồn vốn giá rẻ đã tiêu tan cùng sự mất niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ cánh tả do một Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử theo hơi hướng kỹ trị với quyết định này cho thấy, vấn đề liên quan đến các điều khoản mới về nợ nần sẽ còn là một cuộc chơi dài giữa Hy Lạp và ECB.

Bầu không khí phẫn nộ bao trùm khắp Thủ đô Athens và nhiều TP lớn bởi hầu hết người dân Hy Lạp không hài lòng với động thái này của ECB. Thậm chí, lời kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình ở quảng trường Syntagma để phản đối quyết định này của một tổ chức phi chính phủ đã nhận được sự hưởng ứng của hàng ngàn người. Bộ Tài chính Hy Lạp khẳng định, quan điểm cứng rắn của Athens trong các cuộc đàm phán từ trước đến nay không phải là nhằm gây áp lực cho các chủ nợ và hoàn toàn không mong muốn một kế hoạch “trừng phạt” từ đối tác. Athens cũng cho biết, động thái mới của ECB sẽ không gây bất lợi cho khu vực tài chính của nước này bởi các biện pháp “bảo vệ đầy đủ” và các nguồn vốn có sẵn.

Trong khi một số quan chức ECB đang bày tỏ sự lạc quan về triển vọng “xuống nước” của Hy Lạp, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos cam kết Athens sẽ duy trì vai trò trong NATO, bất chấp mối quan hệ gần gũi với Nga khiến nhiều người châu Âu “chột dạ”. Tuyên bố được đưa ra trong thời điểm nhạy cảm cho thấy, Athens đã chủ động sử dụng mối quan hệ thân thiết truyền thống giữa Nga – Hy Lạp cũng như các quan điểm ủng hộ Moscow được phát đi gần đây như một nhân tố nhằm gây áp lực lên EU bởi đây là một yếu tố khiến NATO lo ngại. Nếu ECB “bỏ rơi” Hy Lạp, Nga với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ sẽ không ngần ngại “cứu” Athens. Đây là viễn cảnh mà không một nước châu Âu nào mong muốn bởi “mất” Hy Lạp đồng nghĩa với việc Lục địa già sẽ để “hở sườn” trọng yếu phía Nam. Vì thế, áp lực mà cả Athens và Eurozone đang gia tăng lên nhau rất có thể sẽ biến các đối tác trở thành đối thủ, tác động tiêu cực đến sự ổn định của liên minh.