Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng bạo lực trong xã hội: Báo động về sự xuống cấp đạo đức và lối sống

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hàng nghìn trường hợp phải nhập viện, cấp cứu do đánh nhau, xô xát; trong đó nhiều trường hợp xác định nguyên nhân do rượu, bia.

Thậm chí, có trường hợp cả nhóm thanh niên truy đuổi, hành hung một thương binh bị cụt chân, hay xô xát với một bà cụ. Tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán đã gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, báo động về sự xuống cấp đạo đức, lối sống.
Hành hung cả thương binh, cụ già
Trả lời báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết, có đến 5.675 trường hợp đến khám và cấp cứu do đánh nhau. Trong đó, có 619 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu, bia. Các trường hợp uống rượu bia dẫn đến mất kiểm soát và đánh nhau gây thương tích trong dịp Tết là điều đáng báo động.
Đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ nhưng khiến nhiều người không khỏi giật mình, lo lắng. Dù viện cớ do rượu, bia, cũng không thể bỏ qua sự sâu xa, đó là dấu hiệu xuống cấp đạo đức, lối sống, của văn hóa gia đình và nền tảng giáo dục nói chung.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trao đổi với thương binh Hoàng Tiến Vin tại Bệnh viện Quân y 103 ngày 6/2, trước khi ông xuất viện vào chiều cùng ngày.   Ảnh: Hồng Thái

Mới đây, ngày 25/1 (tức 28 Tết), trên mạng xã hội xuất hiện clip cho thấy, khoảng 16 giờ cùng ngày, người đàn ông lớn tuổi điều khiển xe ba bánh bị một nhóm thanh niên truy đuổi trên đường, chặn lại rồi lao vào đấm đá. Hiện trường vụ việc gần trụ sở Phòng LĐTB&XH huyện Chương Mỹ. Dù nhiều người đi đường can ngăn, nhưng những thanh niên đi trên xe ô tô vẫn lao vào hành hung người đàn ông lớn tuổi. Sau đó, còn khóa tay, áp giải lên xe máy chở đi.
Nhận được thông tin, Công an huyện Chương Mỹ đã tiến hành xác minh điều tra vụ việc, triệu tập lấy lời khai những thanh niên tham gia vụ hành hung. Đối với nạn nhân - ông Hoàng Tiến Vin, sau khi bị hành hung, đã được người thân đưa đến Bệnh viện Quân y 103 điều trị thương tích suốt từ hôm xảy ra vụ việc, đến chiều 6/2 mới xuất viện. Được biết, ông Vin từng nhập ngũ năm 1972, đang được hưởng chế độ thương binh hạng 2/4, tỷ lệ mất sức khoẻ 61% với một chân bị cụt đến đầu gối, phải dùng chân giả.
Qua thông tin trên báo chí, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trực tiếp chỉ đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội kiểm tra, xác minh và kịp thời thăm hỏi, động viên thương binh Hoàng Tiến Vin.
Trong khi đó, một vụ việc xảy ra tại khu vực cáp treo chùa Hương (huyện Mỹ Đức) ngày 1/2 (mùng 5 Tết) cũng gây xôn xao dư luận. Trong đám đông chen lấn, một cụ bà 60 tuổi giẫm vào chân cô gái đang đi cùng 3 thanh niên quê Nam Định. Nhóm này đã lao vào xô xát, gạt chiếc gậy khiến bà cụ ngã ra đất. Con gái bà phản ứng cũng bị nhóm thanh niên này đánh lại. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đến hiện trường giải quyết sự việc và xử phạt hành chính với 3 thanh niên.
Phải xử lý hình sự để răn đe
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, các trường hợp trên là hiện tượng tiêu cực trong xã hội, vừa thiếu văn hóa vừa vi phạm pháp luật. Các hành vi trên rõ ràng là người ta xem nhẹ trật tự xã hội, đặc biệt coi thường các giá trị của con người. Điều đáng tiếc, hiện tượng này những năm gần đây ngày càng phổ biến và gia tăng theo hướng phức tạp và nghiêm trọng hơn. Mặc dù cơ quan chức năng lâu nay vẫn xử lý nhưng tính hiệu quả không cao.
Liên quan vụ việc thương binh Hoàng Tiến Vin bị hành hung, ngày 5/2, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Chương Mỹ đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”. Đồng thời, củng cố hồ sơ tiếp tục thực hiện các bước tố tụng theo quy định.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, việc giám định thương tật đối với ông Hoàng Tiến Vin sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Họ sẽ thành lập hội đồng gồm cơ quan giám định, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế hay bên quân đội, bệnh viện. Việc này được tiến hành độc lập và tuân theo quy trình đầy đủ về trưng cầu giám định.
Đánh giá thêm về vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm khẳng định, nhóm thanh niên đã xâm hại đến quyền được bảo hộ về sức khỏe, tính mạng và nhân phẩm của công dân. Đồng thời, hành vi này còn gây mất trật tự trị an trên địa bàn và gây bất bình trong dư luận xã hội, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự, về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. “Việc khởi tố các đối tượng còn căn cứ theo tỷ lệ giám định thương tích của cơ quan chuyên môn để đánh giá và là căn cứ để xử lý. Nếu các đối tượng này hành hung ông Vin, gây thương tích dưới 11% vẫn bị xử lý. Vì theo quy định tại Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự, nếu có hành vi côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm để đánh ông Vin vẫn đủ căn cứ khởi tố hình sự” – luật sư Thơm cho biết.
Cần tăng cường trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại các lễ hội cũng như các vụ đánh nhau, ẩu đả trong dịp Tết và sau Tết. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do văn hóa trong cách ứng xử của bộ phận không nhỏ con người Việt Nam hiện nay đang bị lệch chuẩn, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, giới trẻ hiện nay thường thích thể hiện mình khi chưa được giáo dục đầy đủ, tôn thờ xu hướng chủ nghĩa cá nhân và cùng với sự lơi là trong giáo dục ở gia đình đã dẫn đến những hệ quả đau lòng. Vì vậy, mỗi gia đình và cộng đồng nên có cách giáo dục lớp trẻ của riêng mình. Ngoài ra, cần tăng cường trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ để giáo dục các em trau dồi tri thức, cách ứng xử đậm chất nhân văn và thể hiện mình qua những việc làm có ích cho cộng đồng, xã hội.
Chị Trần Hồng Hạnhphường Thành Công, quận Ba Đình 

PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: 70% vụ đánh lộn xảy ra ở người trẻ tuổi
Không phải chỉ năm 2017 mà nhiều năm nay, con số thống kê về thương vong do đánh lộn trong dịp Tết đã rung lên hồi chuông báo động. Thế nhưng, chưa có một cuộc điều tra cụ thể tình trạng đánh lộn nhiều như vậy xảy ra từ bao giờ, nhưng chắc chắn không phải bây giờ mới có. Theo điều tra bỏ túi của Trung tâm dư luận xã hội thì 70% số vụ đánh lộn xảy ra ở người trẻ tuổi. Ngành y tế cho rằng nguyên nhân rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp, còn theo các chuyên gia văn hóa, tâm lý như chúng tôi, nguyên nhân sâu xa của nó chính là sự lung lay của nền móng gắn kết gia đình. Các gia đình thời nay bố mẹ mải kiếm tiền, ở đô thị hiện đại thời gian rảnh có khi họ mải miết lướt mạng xã hội, ít thời gian chăm sóc giáo dục con cái. Giao lưu tương tác của gia đình giảm hẳn mà bị xâm lấn bởi thế giới ảo. Không được chăm lo học hành đến nơi đến chốn, lại ảnh hưởng nhiều của mạng internet, nên đối tượng phạm tội, hoặc gây sự đánh nhau ngày càng trẻ hóa.