Gia tăng bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm: cần đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Miền Bắc trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây qua đường hô hấp. Nếu không chủ động các biện pháp ứng phó, dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan rộng.

Chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ

Thời điểm giao mùa, sự chênh lệch về nhiệt độ, độ ẩm không khí khiến số trẻ viêm đường hô hấp tăng cao, trong đó, có nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông ghi nhận hơn 100 bệnh nhi bị viêm đường hô hấp đang điều trị.

Cả 2 con nhỏ của chị T.N.P. (La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) không may đều nhiễm virus hợp bào hô hấp phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ban đầu, các bé xuất hiện triệu chứng ho, hắt hơi, sốt... Nhập viện, cả 2 bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm virus hợp bào hô hấp. “Sau điều trị, cháu lớn ổn hơn. Nhưng cháu nhỏ 3 tháng tuổi, còn ho, thở yếu nên tiếp tục phải theo dõi” – chị P. chia sẻ.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.khám cho bệnh nhi mắc viêm đường hô hấp.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.khám cho bệnh nhi mắc viêm đường hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trung bình, khoa khám hơn 100 lượt bệnh nhi/ngày, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp chiếm 60-70%. Các bệnh đường hô hấp hay gặp liên quan đến virus như viêm tiểu phế quản do virus RSV, cảm cúm, cúm A, cúm B, Adeno virus và một số bệnh nhiễm khuẩn khác...

Virus RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp. Khi bị nhiễm virus thường có các biểu hiện như chảy nước mũi trong, keo dính, ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ, sốt cao hoặc không sốt, khó thở, ăn uống kém... Khởi đầu của bệnh là triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, ho khò khè...

“Sau 2-3 ngày sẽ tiến triển nặng lên và chuyển sang viêm tiểu phế quản, viêm phổi và trẻ khó thở hơn, có những trẻ diễn biến nặng phải nhập viện. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành bội nhiễm gây viêm tai giữa, có trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi và suy hô hấp. Thậm chí có những trẻ suy hô hấp nặng phải can thiệp thở máy, thở ô xy để hỗ trợ...” – bác sĩ Dương cảnh báo.

Trẻ mắc ho gà dễ biến chứng viêm phổi

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận khoảng 40 ca mắc ho gà. Hầu hết các bệnh nhân đều có biến chứng viêm phổi.

TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong các ca ho gà, hầu hết là trẻ dưới 3 tháng tuổi, ở lứa tuổi chưa tiêm phòng hoặc vừa tiêm mà chưa tạo được miễn dịch. Trong số này có 5% biến chứng nặng phải điều trị hồi sức tích cực. Còn lại, đa số bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng cơn ho kéo dài, tím tái, thở rít, biến chứng điển hình là viêm phổi.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, ho gà là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây nên, thường ủ bệnh từ khoảng 7-20 ngày. Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng ho nhiều, chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ.

Bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho bệnh nhi mắc ho gà.
Bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho bệnh nhi mắc ho gà.

Cơn ho dai dẳng khiến cho trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người. Sau cơn ho, bệnh nhân xuất hiện thở rít. Cơn ho khiến trẻ khó chịu, mất ngủ về đêm, kém ăn, bỏ ăn, gây suy dinh dưỡng và các bệnh lý khác như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não...

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, có hơn 50% trẻ mắc bệnh nặng có nguồn lây từ mẹ và nhiễm bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch ở 3 tháng đầu đời. Trẻ chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng. Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đáng lưu ý, ho gà nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Đây là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất. Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, cần phân biệt ho gà và ho thông thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận gần 70 trường hợp mắc ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, TP khu vực miền Bắc. Những tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận trung bình từ 2 đến 8 ca ho gà/tuần. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 25 ca mắc ho gà. Phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới 3 tháng tuổi, chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%).

Để chủ động phòng, chống ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm trường hợp mắc tại cộng đồng, cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Ngoài ra, các đơn vị triển khai tiêm chủng thường xuyên cho đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vaccine.

 

Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ, cha mẹ không để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Đặc biệt, tiêm phòng là biện pháp vô cùng quan trọng đối với trẻ. Khi trẻ được tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh rất lớn như cúm, ho gà, uốn ván, sởi, quai bị, rubella.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông