Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng biến động lao động: Loay hoay với bài toán thiếu, thừa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trung bình mỗi năm khu vực doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội tạo ra khoảng 110.000 việc làm cho người lao động, trong đó các DN ngoài Nhà nước tạo ra nhiều việc làm nhất.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt DN phải thu hẹp sản xuất, ngưng hoạt động, phá sản, giải thể... số lượng lao động trong khu vực DN cũng có xu hướng ngày càng biến động mạnh.

Kết quả khảo sát mới đây của Sở Công Thương tại các DN trên địa bàn cho thấy, 75% số DN khẳng định đã sử dụng đủ lao động; 12,2% số DN đang dư thừa lao động và 12,7% DN thiếu lao động. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước có số DN dư thừa lao động cao nhất với 13,2%, tiếp đến là khu vực DN ngoài Nhà nước với 13%. Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỷ lệ DN thiếu lao động lên tới 22,6%.

Chia theo 3 khu vực kinh tế lớn, DN thuộc ngành công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ thừa lao động cao nhất với 11,5%. Các DN thuộc lĩnh vực thương mại và dịch vụ có 11,3% số DN đang dư thừa lao động. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có số DN đang thừa lao động ít nhất 3,6%.

Gia tăng biến động lao động: Loay hoay với bài toán thiếu, thừa - Ảnh 1
Lao động tại các doanh nghiệp biến động do bối cảnh kinh tế khó khăn.Ảnh: Hà Thái
 

Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các DN dư thừa lao động, trong đó 50,8% số DN có nguyên nhân do khó khăn trong kinh doanh nên buộc phải thu hẹp sản xuất. Chính sự phát triển không đồng đều giữa các ngành kinh tế và không có dự báo sớm về nguồn nhân lực dẫn đến việc chuyển đổi và dịch chuyển lao động gặp khó khăn, gây ra tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp và thiếu hụt lao động ở khu vực công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể, tình trạng thiếu lao động do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thương mại, dịch vụ là cao nhất với 33%, tiếp đến là các DN công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ 27,8%.

Trên thực tế, nguồn ngân sách mà các DN, nhất là những DN FDI dành cho nhân sự vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là áp lực tăng lương cho các vị trí quản lý, quan hệ đối ngoại và pháp lý. Tuy nhiên, các DN tham gia khảo sát đều than phiền về việc, mặc dù ngân sách đầu tư cho nhân sự đã tăng lên đáng kể nhưng việc giữ chân nhân sự vẫn hết sức khó khăn, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc vẫn ở mức cao - ghi nhận ở khối DN FDI là 12,9%.

Nhiều ý kiến cho rằng: Biến động nhân sự là chuyện bình thường ở các DN, nhất là phần lớn lao động ở nước ta xuất thân từ nông thôn, do nhận thức chưa đầy đủ, họ tự rời bỏ DN. Nhưng, nếu số đông ra đi, các DN phải đánh giá lại chính sách của mình, trong đó lỗi chính thuộc về chủ sử dụng lao động.

Về giải pháp giữ người, đại diện lãnh đạo Công ty CP MISA nhấn mạnh, phải tạo cho người lao động sự yên tâm để họ có động lực phấn đấu và gắn bó. Muốn có cán bộ tốt, phải tuyển kỹ từ khâu đầu vào, đi liền với đó là chính sách đãi ngộ tốt, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động... Đồng quan điểm này, cán bộ phụ trách nhân sự Công ty LD Ford Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi xây dựng nguồn nhân lực từ bên trong, tức là nếu có một vị trí trống sẽ có người trong nội bộ thế vào. Khi điều này được thực hiện tốt, nhân viên sẽ thấy có động lực phấn đấu. Về tuyển mới, mỗi năm một lần, chúng tôi đến tuyển dụng tại các trường đại học, sau đó đào tạo thêm về kỹ năng cho các em từ 6 - 12 tháng. Thực tế 4 - 5 năm qua, nhân sự được tuyển từ các trường về đều có hiệu suất lao động rất cao. Người lao động được lắng nghe, tôn trọng chính là cách giữ được chân họ ở lại với DN.

Thực tế trong số 12,7% số DN được điều tra trên địa bàn Hà Nội trong tình trạng thiếu lao động có 29,3% DN cho biết nguyên nhân do không có đủ lao động đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; 33,5% số DN cho biết người lao động yêu cầu lương, thu nhập quá cao nên DN không đáp ứng được; và 18% DN phản ánh họ đang kinh doanh theo mùa vụ nên không tuyển được lao động.