Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng lực hút nhờ môi trường đầu tư thông thoáng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Hà Nội luôn là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư và đổi mới cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nỗ lực cải thiện các chỉ số cải cách hành chính

Công tác CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được TP thực hiện quyết liệt, triệt để ở tất cả các cấp, các ngành. Từ cuối năm 2017, Hà Nội đã đạt và hiện nay đang duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Triển khai mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”; triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ DN trong đăng ký kinh doanh để giảm thời gian khởi sự kinh doanh tại Sở KH&ĐT.

Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, điện năng đều được chú trọng để giảm thời gian và chi phí cho DN, như cấp mã số DN tự động cho DN thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng bình quân đạt trên 99%; tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt trên 99%; trao đổi thông tin với DN đạt 100% qua thư điện tử; tỷ lệ đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt trên 98% trên tổng số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải thăm gian hàng các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín năm 2023. Ảnh: Chiến Công
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải thăm gian hàng các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín năm 2023. Ảnh: Chiến Công

Lĩnh vực luôn được coi là khó ở Hà Nội, như tiếp cận đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có nhiều cải cách thuận lợi cho DN và người dân: thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày. Trong lĩnh vực tín dụng, Hà Nội thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN đạt kết quả tốt. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các dịch vụ công, bao gồm: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

TP cũng chú trọng đến hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa, cụ thể như: bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh; đào tạo kiến thức khởi sự và quản trị… Cùng với đó, tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tập huấn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xúc tiến đầu tư và tôn vinh DN.

Hiện tại, năng suất lao động ở Hà Nội ước đạt 258,3 triệu đồng, gấp 1,65 lần bình quân cả nước, tăng 6,15% so với giai đoạn 2011 - 2015, vượt mục tiêu đề ra. Hà Nội cũng luôn dẫn đầu trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế. Nguồn nhân lực của TP dần đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong điều kiện mới.

Kết quả việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo của TP trong chỉ đạo điều hành với phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ.

Niềm tin của các nhà đầu tư, DN với TP được khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển DN trong thời gian vừa qua. Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Từ năm 2016 đến 30/4/2020, Hà Nội có 107.283 DN thành lập mới với số vốn điều lệ khoảng 1,340 triệu tỷ đồng. 8 tháng năm 2024, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 20.400 DN thành lập mới.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 23,702 tỷ USD, gấp 3,97 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, 8 tháng năm 2024, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023. Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đây là kết quả rất quan trọng sau gần 40 năm đổi mới; là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chất lượng điều hành kinh tế trong Top đầu

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng cho biết, 12 năm trở lại đây, Hà Nội luôn đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, trong đó năm 2014 và 2023 đạt trên 90%: năm 2023 đạt 91,43%, xếp thứ 3/63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Ba năm TP xếp hạng tốt nhất là 2017, 2018, 2019, đều xếp thứ 2/63 tỉnh, TP; năm tăng hạng nhiều nhất là 2022, tăng 7 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, TP.

Hà Nội định hướng phát triển trở thành đô thị Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng
Hà Nội định hướng phát triển trở thành đô thị Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng chú ý, so sánh với năm 2022, PAR INDEX năm 2023 của TP Hà Nội có 5 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó tăng trưởng mạnh nhất (13,2%) là chỉ số “chính quyền điện tử, chính quyền số” và đạt kết quả cao nhất (99,33%) là chỉ số “chỉ đạo điều hành”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong những năm qua, Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân; được xác định là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vì vậy, TP Hà Nội xác định công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.

Chính quyền TP Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng DN, doanh nhân Thủ đô tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - DN cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP đã ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024.

TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị nâng thứ bậc các chỉ số thành phần PCI gồm: tăng 3 bậc trở lên đối với chỉ số “Chính sách hỗ trợ DN”; tăng 5 bậc trở lên đối với chỉ số “Tính minh bạch”. Tăng 10 bậc trở lên đối với 7 chỉ số là “Chi phí thời gian”; “Cạnh tranh bình đẳng”; “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”; “Chi phí không chính thức”; “Chi phí gia nhập thị trường”; Tiếp cận đất đai”; “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự”. Nâng thứ bậc các chỉ số thành phần PGI như tăng 10 bậc trở lên đối với các chỉ số: “Thúc đẩy thực hành xanh”; “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu”; “Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu”; “Chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường”...

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội

Với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi Hà Nội phải đi đầu, tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

Thủ tướng giao trách nhiệm cho Hà Nội phải tiên phong trong cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

5 mục tiêu chủ yếu Hà Nội hướng tới đó là: tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN tiếp cận dễ dàng với tất cả các dịch vụ, tiện ích; tiết giảm chi phí (về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ); kiểm soát rủi ro, đẩy lùi tiêu cực, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân, DN; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dân, DN.

Trên thực tế, Hà Nội đã hợp nhất 3 Ban chỉ đạo về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành một Ban chỉ đạo chung là bước đột phá lớn của TP Hà Nội, thể hiện “tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt".

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, DN và người dân, TP Hà Nội đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP. Theo đó, công dân, tổ chức, DN chỉ cần đến một địa điểm hoặc nộp hồ sơ qua mạng để giải quyết các thủ tục hành chính cấp TP với gần 1.400 thủ tục theo nhu cầu, từ đó rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, công tác chuyển đổi số đã được TP thực hiện quyết liệt, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (thí điểm như sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID…). Đặc biệt, TP Hà Nội đã triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) - kênh tương tác giữa chính quyền với người dân, các vấn đề về đời sống dân sinh, công khai minh bạch để người dân tham gia đóng góp CCHC, chuyển đổi số, chung tay xây dựng Thủ đô.

Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát về SIPAS (Chỉ số sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước) với trên 39.000 phiếu trên cả nước, trong đó có 2.700 phiếu tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, về chỉ số hài lòng chung, cả nước đạt 82,66%, tại Hà Nội đạt 83,57% (tăng 3,41% so với năm 2022), xếp thứ 21/63 tỉnh, TP (tăng 9 bậc so với năm 2022). Chỉ số hài lòng về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, chỉ số hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công đều xếp thứ 21/63 tỉnh, TP.

Nhờ quyết liệt trong chuyển đổi số nên hiện tại, Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng; đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Những thành quả bước đầu là động lực để chính quyền Hà Nội phấn đấu thực hiện tiếp các mục tiêu trọng điểm tiếp theo, thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

 

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thực hiện cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, DN đến đầu tư và gắn bó với Thủ đô, góp phần thúc đẩy kinh tế, phát triển TP ngày càng văn minh, hiện đại.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh