Gia tăng nỗi lo bạo lực học đường

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tiếp xảy ra các vụ bao lực học đường. Mới đây, một đoạn clip dài hơn 6 phút ghi lại cảnh 1 nữ sinh bị đánh đập, làm nhục khiến dư luận phẫn nộ.

Những vụ việc đáng báo động

Từ ngày 25/4 đến nay, 1 đoạn clip dài hơn 6 phút được đưa lên mạng xã hội ghi lại cảnh 1 nữ sinh lớp 8 bị bạn bắt quỳ trong nhà vệ sinh nhà trường khiến nhiều người bàng hoàng. Clip ghi lại một số nữ sinh dùng tay, chân đánh, đập vào người, mặt 1 nữ sinh khác đang quỳ dưới nền nhà.

Không chỉ buông những lời thô tục, đánh đập, những nữ sinh kia còn lao vào lột áo, hành hạ nữ sinh kia đang bất lực co người dưới nền nhà vệ sinh gào khóc.

Nhiều người xem được đoạn video clip đã không thể tin rằng đó là những nữ sinh vẫn trong bộ đồng phục áo trắng, quần xanh bởi lời lẽ thóa mạ như hành vi nguy hiểm của các em. Chỉ đến khi nạn nhân gào khóc lớn, có lẽ vụ việc mới dừng lại.

Hình ảnh nữ sinh bị bắt quỳ gối, đánh đập vừa xảy ra tại 1 Trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: cắt từ clip).
Hình ảnh nữ sinh bị bắt quỳ gối, đánh đập vừa xảy ra tại 1 Trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: cắt từ clip).

Bước đầu, nhà trường và các cơ quan chức năng xác định những nữ sinh đánh đập, làm nhục bạn cũng chỉ mới học sinh lớp 8, lớp 10 trên địa bàn thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và các em vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nguyên nhân cũng chỉ vì mâu thuẫn nhỏ giữa nạn nhân và các em trên mạng xã hội.

Ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo giao Phòng  GD&ĐT phối hợp với Công an huyện trực tiếp chỉ đạo nhà trường  phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và phụ huynh học sinh giải quyết sự việc nhằm sớm ổn định tình hình.

Trong đó, chiều 25/4, nhà trường đã cử giáo viên chủ nhiệm cùng gia đình đưa học sinh bị đánh đến thăm khám, theo  dõi sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, chăm sóc, động  viên để học sinh ổn định tinh thần.

Một vụ khác liên quan đến việc giải quyết mâu thuẫn của các nữ sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào đầu tháng 4 vừa qua. (Ảnh: cắt từ clip).
Một vụ khác liên quan đến việc giải quyết mâu thuẫn của các nữ sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào đầu tháng 4 vừa qua. (Ảnh: cắt từ clip).

UBND huyện cũng đã yêu cầu Ban giám hiệu, các giáo viên của các trường có liên quan đã khẩn trương rà  soát, báo cáo đề xuất hình thức kỷ luật đối với các học sinh vi phạm trong vụ  việc nói trên theo thẩm quyền và quy định tại điều lệ trường học

Trước đó, vào đầu tháng 4, cũng chỉ vì mâu thuẫn trong lúc mượn tiền nhau, từ bạn bè, 2 nữ sinh chuyển qua giải quyết bằng bạo lực. 2 clip với độ dài hơn 1 phút về cảnh 2 nữ sinh xô xát nhau tại khu vực xã Trung Giang (huyện Gio Linh) cũng được tung lên mạng xã hội khiến dư luận lo lắng.

Thậm chí, 1 nữ sinh khác rút con dao thủ sẵn trong tay áo để tấn công bạn. May mắn, nữ sinh kia cũng chỉ bị vết thương nhẹ ngoài da. Qua xác minh, 1 nữ sinh đang là học sinh lớp 9 và nữ sinh kia đang học lớp 10 trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).

Yêu cầu triển khai các giải pháp

Đau lòng hơn, vào ngày 7/4/2023, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, em N.V.Q (học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Krông Klang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã rủ thêm 3 em học sinh lớp 11 khác trên địa bàn huyện Đakrông tìm nam sinh L.H.Q (học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Lòng, huyện Đakrông) để giải quyết mâu thuẫn.

Hậu quả, L.H.Q đã dùng dao tấn công, đâm vào ngực trái của nam sinh N.V.Q khiến nạn nhân tử vong. Vụ việc đã khiến nhiều em học sinh hoảng loạn.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị vừa đã có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các địa phương, Đoàn thanh niên, Công an tỉnh Quảng Trị nhằm triển khai các giải pháp  tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự học đường và phòng, chống bạo lực học đường.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, trong thời gian qua Sở GD&ĐT đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và các địa phương hướng dẫn đơn vị trường học thực hiện tốt công tác đảm bảo công tác an ninh trật tự trường học và phòng, chống bạo lực học đường. Tuy nhiên,  thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, tinh thần, thậm chí là tính mạng gây bức xúc trong xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục.

Một buổi chuyên đề "Phòng chống bạo lực học đường  - Xây dựng tình bạn đẹp" tại trường TH&THCS Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.  (Ảnh: Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị).
Một buổi chuyên đề "Phòng chống bạo lực học đường  - Xây dựng tình bạn đẹp" tại trường TH&THCS Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.  (Ảnh: Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị).

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phố biển, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo An ninh trật tự trong các hoạt động giáo dục. Triển khai các buổi tập huấn, hội thảo về Tâm lý học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn tỉnh để làm tốt công tác tham vấn, tư vấn cho học sinh

Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; trong đó đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống… cho học sinh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, đoàn thể xây dựng và thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp, nhất là cơ chế chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời khi có dấu hiệu của vụ việc bạo lực học đường. Làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm đạo đức và bạo lực học đường Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm những học sinh tham gia và có hành động gây ra bạo lực học đường để làm gương, răn đe các em học sinh khác.

UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở GD&ĐT theo dõi, đôn đốc, định kỳ báo cáo UBND tỉnh về việc thực hiện công tác đảm bảo An ninh trật tự trường học trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, những vụ việc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tập trung chủ yếu các em trong độ tuổi từ 14-16 tuổi. Đây là độ tuổi các em chưa nhận thức hết được các mặt tốt, mặt xấu ở trong xã hội. Chính vì vậy, các em cần có sự quan tâm, hỗ trợ dìu dắt, hướng dẫn của người lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần