Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng sức mạnh mềm tại châu Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cùng với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nền kinh tế mới, chính sách ngoại giao văn hóa mềm dẻo của Trung Quốc cũng đang phát huy tác dụng.

KTĐT - Cùng với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nền kinh tế mới, chính sách ngoại giao văn hóa mềm dẻo của Trung Quốc cũng đang phát huy tác dụng.

Trong khi Mỹ đang bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề nhân quyền, thì Trung Quốc đang tìm cách xây dựng niềm tin với thế giới và đặc biệt là khu vực châu Á bằng việc gia tăng sức mạnh mềm thông qua các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hoá và các lực lượng có tính phi cưỡng chế khác.


Để giành giật sức ảnh hưởng đối với khu vực châu Á, phương thức tiến hành gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc rất phong phú và linh hoạt, từ “ngoại giao kinh tế” (hỗ trợ phát triển, các hiệp định thương mại…), “ngoại giao văn hóa” (tuyên truyền văn hóa, hợp tác giáo dục, quảng bá ngôn ngữ Hán” đến “ngoại giao nhân dân” (thăm hữu nghị, hội đàm, trao đổi ý kiến, hội thảo, hội nghị quốc tế).

Trong chiến lược gia tăng sức mạnh mềm của mình, Trung Quốc đã khai thác tối đa sự không hài lòng của các nước châu Á đối với những đòi hỏi hà khắc của phương Tây vào thời gian cuộc khủng hoảng tiền tệ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Họ cũng triển khai chính sách ngoại giao kinh tế ngày càng tinh vi hơn bằng cách dựa trên sự gần gũi về mặt địa lý, lịch sử, tạo ra môi trường thuận lợi để khai thác vì lợi ích hai bên giữa Trung Quốc và khu vực này.

Trung Quốc đã bước đầu thành công khi chinh phục châu Á thông qua việc ủng hộ tiến trình hợp tác Đông Á, đưa ra một loạt sáng kiến đề xuất xây dựng mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc, cho ASEAN vay 5 tỷ USD để đầu tư tại khu vực này. Không chỉ vậy, với việc đưa ra các sáng kiến và tham gia vào cơ chế đa phương của khu vực, Trung Quốc dường như muốn mở rộng hơn sự xâm nhập của mình vào khu vực Trung Á. Với những nỗ lực trên, Trung Quốc đang muốn tạo dựng hình ảnh vững vàng của một cường quốc kinh tế có khả năng che chở và tạo cơ hội cho sự thịnh vượng chung của khu vực châu Á.

Cùng với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nền kinh tế mới, chính sách ngoại giao văn hóa mềm dẻo của Trung Quốc cũng đang phát huy tác dụng. Thông qua việc tuyên truyền văn hóa, quảng bá du lịch, ẩm thực, y dược, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm văn hóa như truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, giao lưu văn hóa ra thế giới và đặc biệt là sự lan rộng của 46 học viện Khổng Tử ở châu Á, Trung Quốc đã đan cài khéo léo quan hệ chính trị, ngoại giao, văn hóa với các tổ chức đa phương tại châu Á.

Trong khi Mỹ đang phô bày sức mạnh quân sự trên toàn thế giới, thì dường như Trung Quốc lại thể hiện một hình ảnh khác, nhất là đối với khu vực châu Á. Tại đây, trong một số lĩnh vực mang tính nhạy cảm, Trung Quốc đã đi quá giới hạn “không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”, đảm nhận vai trò trung gian hòa giải tích cực. Họ đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán sáu bên tại Bắc Triều Tiên, gửi lực lượng gìn giữ hoà bình của mình tới Đông Timo...

Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, việc gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc tại châu Á đã có những tác động tích cực để các nước nhận thức, hiểu và lí giải Trung Quốc một cách thiện chí hơn. Thế nhưng, dù những nỗ lực trên là rất đáng kể, song vị thế của Trung Quốc dường như vẫn còn chông chênh trong “tầm nhìn” hay “trí óc” của người dân châu Á.

Bởi, ngoài những hình ảnh đẹp và hoành tráng về diện mạo, vị thế, bước đi của quốc gia này như đã tự thể hiện, người dân châu Á vẫn thường xuyên nhận được những tin tức trái chiều về Trung Quốc trên khắp các phương tiện truyền thông như: tăng chi tiêu quốc phòng, chất lượng đồ chơi kém, thực phẩm nhiễm độc, sữa nhiễm độc, tin tặc, gián điệp kinh tế, tham nhũng, hủ bại trong giới lãnh đạo các cấp…

Như vậy, muốn vượt qua những nghi ngại, xây dựng và giành được niềm tin trọn vẹn của khu vực châu Á, chắc chắn Trung Quốc còn cần tiếp tục phải thể hiện sức mạnh mềm của mình một cách khách quan, có chiều sâu và độ bền vững hơn nữa.