Gia tăng tệ nạn bài bạc trong các ngày lễ

Nảy sinh các hoạt động vi phạm pháp luật
Công an huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) vừa triệt phá sới bạc khủng bằng hình thức chơi xóc đĩa tại một xưởng cơ khí vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán và bắt giữ 32 con bạc đang sát phạt nhau. Trước đó, qua công tác trinh sát, nắm địa bàn, Công an huyện Phúc Thọ phát hiện có một sới bạc hoạt động quy mô lớn, rất tinh vi tại xưởng cơ khí tại phần đất của Đỗ Văn Mậu (sinh năm 1974, ở xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ).
Chiều 23/1 (tức mùng 2 Tết), 40 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Phúc Thọ đã ập vào bắt quả tang 32 đối tượng đang có hành vi sát phạt nhau bằng tiền dưới hình thức chơi xóc đĩa tại xưởng cơ khí trên phần đất của Đỗ Văn Mậu. Công an huyện Phúc Thọ đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và thu giữ tang vật: Thu trên chiếu bạc 1 bộ bát đĩa, 4 quân vị, 1 thảm nỉ, nhiều ghế nhựa và số tiền tang vật 190 triệu đồng, thu trên người của các đối tượng bị bắt tổng số tiền hơn 216 triệu đồng. Hiện Công an huyện Phúc Thọ đã tạm giữ hình sự đối với 18 đối tượng về hành vi “Đánh bạc” và tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Theo Bộ Công an, trong tháng 1/2023, Công an các đơn vị, địa phương đã bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết. Đã điều tra, khám phá 3.110 vụ phạm tội về trật tự xã hội; bắt 7.174 đối tượng; triệt phá 29 băng, nhóm tội phạm; trong đó, bắt, xử lý 911 vụ, 3.543 đối tượng cờ bạc...
Số vụ cờ bạc các lực lượng chức năng đã xử lý trong dịp Tết vừa qua không hề nhỏ, tuy nhiên, tình trạng này không dừng, mà tiếp tục gia tăng trong những ngày sau Tết, đặc biệt công khai và phổ biến ở các lễ hội. Không chỉ hoạt động trong các sới bạc, hay theo mạng lưới lô đề, cá cược mà tệ nạn cờ bạc tại các lễ hội còn tồn tại dưới rất nhiều hình thức khác nhau, đủ loại từ xóc đĩa, tú lơ khơ, tôm cua cá, đá gà... cho đến các trò đỏ đen trá hình dưới các trò chơi có thưởng. Không chỉ mất thời gian, công sức và tiền bạc, tệ nạn cờ bạc còn có thể làm nảy sinh các hoạt động vi phạm pháp luật khác như cho vay nặng lãi, siết nợ, thậm chí đánh nhau, gây mất an ninh trật tự.
Để không khí tại các lễ hội được vui tươi trọn vẹn
Phần lớn tệ nạn bài bạc xuất phát từ nhận thức lệch lạc của người dân. Họ cho rằng, ngày Tết, ngày lễ mà không tham gia chơi bạc thì mất vui, không có không khí lễ, Tết. Tâm lý ăn thua dễ khiến ý định vui chơi nhất thời chuyển sang trạng thái “say máu” sát phạt nhau; và mức ăn thua dần trở thành một con số không thể kiểm soát.
Khi hết Tết, lễ hội kết thúc, không ít người "nướng" vào sới bạc vài triệu, thậm chí hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Không ít người nợ nần chồng chất, vì cờ bạc mà sa vào những hành vi vi phạm pháp luật. Cờ bạc là mầm mống nảy sinh các tệ nạn xã hội khác như trộm cắp, cướp giật, bạo lực gia đình, đòi nợ thuê, siết nợ, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... gây nên nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nhận định tệ nạn bài bạc sẽ hoạt động mạnh hơn, công an các địa phương đang đồng loạt ra quân, tập trung bắt giữ, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm đánh bạc. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền, ban quản lý lễ hội tăng cường tuyên truyền, quản lý, không để các đối tượng lợi dụng lễ hội tổ chức cờ bạc trá hình... Những nỗ lực đó sẽ góp phần để không khí tại các lễ hội được vui tươi trọn vẹn.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đinh Đức Duy (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho hay, dịp đầu năm mới, sẽ có nhiều lễ hội ở các đền, chùa, hội làng thu hút nhiều người dân tham gia thăm quan, lễ phật, tham gia các hoạt động, trò chơi dân gian. Xuất phát ban đầu trò chơi dân gian là để giải trí, thi đua, nâng cao sức khỏe, trí tuệ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, kinh tế, người dân khá giả và tâm lý có thắng, có thua bằng tiền sẽ kích thích, khiến cho các cuộc thi trở nên vui vẻ, kịch tính hơn. Vì thế, nhiều trò chơi đã biến tướng thành nơi cá độ thắng thua bằng tiền, hiện vật.
Không thiếu những trò chơi mang tính thử vận may cho người dân tham gia như cua, tôm, cá, giải thế cờ, xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, đá gà, tài xỉu… có thắng thua bằng tiền. Đây đều là những hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc và bị pháp luật Việt Nam cấm. Người tham gia đánh bạc có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu tổng số tiền đánh bạc trên 5 triệu đồng sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc theo Điều 321 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù…
Theo các chuyên gia luật, dẫu biết khó có thể diệt tận gốc nạn cờ bạc nhưng không thể chùn tay với một loại tệ nạn là đầu mối gây ra bao kiểu phạm tội khác trong xã hội. Tệ nạn cờ bạc ở các lễ hội có phức tạp hay không là do công tác quản lý của chính quyền địa phương; đồng thời, quy định hiện cũng khá rõ ràng, vấn đề là các lực lượng chức năng có làm triệt để hay không.

Huyện Sóc Sơn quyết liệt ngăn chặn tệ nạn xã hội
Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Nỗi lo tệ nạn bài bạc cuối năm
Kinhtedothi - Cuối năm là thời điểm tình hình an ninh trật tự luôn diễn biến phức tạp, trong đó, tệ nạn bài bạc có xu hướng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trước tệ nạn trên, công an các tỉnh, TP đã lên kế hoạch triệt phá.

Kiểm tra 2.951 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm
Kinhtedothi – TP Hà Nội đặt ra chỉ tiêu tổ chức kiểm tra 2.951 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; triệt xóa 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và không phát sinh điểm mới.