Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá trị thương hiệu Việt Nam vươn tầm cao mới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá trị thương hiệu Việt Nam năm 2024 đứng thứ 32/193 quốc gia đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Đó cũng là minh chứng rõ nét về sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt đưa thương hiệu, sản phẩm Việt Nam vươn tầm thế giới.

Những bước tiến vượt bậc

Theo công bố mới nhất của Tổ chức Tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, giá trị thương hiệu Việt Nam năm 2024 xếp thứ 32 trong số 193 quốc gia được đánh giá và đạt 507 tỷ USD. Tăng một bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm ngoái.

Lễ vinh danh các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa
Lễ vinh danh các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa

Cũng theo đánh giá của Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc những năm gần đây. Việt Nam không chỉ lọt top 100 nước có thương hiệu mạnh, mà còn là nước có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022.

Tổng Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Brand Finance) Alex Haigh cho biết: giá trị thương hiệu Việt Nam tăng mạnh những năm qua là nhờ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, mức độ nhận diện về thương hiệu Việt Nam được cải thiện và một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, đặc biệt là nhờ nỗ lực giảm lãi suất của Chính phủ thời gian qua.

Trong đó, các ngành như: viễn thông, công nghệ; ngân hàng; thực phẩm và đồ uống đang là những ngành có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thương hiệu quốc gia Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này đang tận dụng rất tốt những cơ hội từ thị trường.

Khi giá trị thương hiệu của một quốc gia được nâng cao, hiệu ứng lan tỏa sẽ tác động tích cực đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là du lịch và xuất khẩu. Với một thương hiệu quốc gia mạnh, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế, từ đó thu hút một lượng lớn khách du lịch.

Đồng thời, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ được đón nhận nồng nhiệt hơn, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Không chỉ vậy, một thương hiệu quốc gia uy tín còn là yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun chia sẻ: “Ví dụ như là Samsung, 50-60% điện thoại thông minh đều sản xuất tại Việt Nam, made in Vietnam. Vì thế nếu thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng mạnh lên thì các nhà đầu tư Hàn Quốc rất tự tin sẽ tiếp tục đầu tư”.

Còn theo nhận định của Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam Adam Sitkoff, khi thương hiệu của một quốc gia tăng trưởng, đó là nỗ lực rất lớn. Điều này thể hiện rõ khi trực tiếp các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã đi đến các nước trên thế giới để quảng bá hình ảnh của một Việt Nam với nguồn nhân lực tốt, đang tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với một thị trường nội địa đầy tiềm năng.

Vinamilk nhiều năm liền được vinh danh là doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa 
Vinamilk nhiều năm liền được vinh danh là doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa 

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu và sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang trở thành điểm đến thay thế hấp dẫn. Với những lợi thế về chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới. Với một dân tộc năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên, Việt Nam đang trên đà trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, có đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực và thế giới.

Nâng tầm các giá trị cốt lõi

Giới chuyên gia đánh giá, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương. Tuy nhiên, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quy mô nhỏ và vừa nên có những hạn chế về quảng bá, xúc tiến và định vị thương hiệu riêng.

 

Trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam cho hành động và là nền tảng để xây dựng và phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên Cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Đại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị: "Các doanh nghiệp muốn có thương hiệu mạnh phải có sản phẩm, dịch vụ uy tín; phải có văn hoá doanh nghiệp, thể hiện sức lan toả mạnh".

Đề cập về giải pháp để Việt Nam có nhiều hơn thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, xây dựng thương hiệu là một quá trình liên tục và không có điểm dừng. Do đó, các thương hiệu Việt Nam cần tập hợp thành tiếng nói chung. Các hiệp hội, doanh nghiệp cần tham gia các triển lãm, tổ chức các chương trình quảng bá thương hiệu của Việt Nam để khách hàng thế giới nhìn vào thấy sự bài bản, để từ tình cảm biến thành hành động.

Quy trình làm thương hiệu cần bài bản, từ nghiên cứu thị trường, sáng tạo định vị sản phẩm, chọn phân khúc giá, cách thức phân phối bán hàng, xây dựng nhận diện nhãn hiệu, cuối cùng mới là quảng bá.

Nhằm tiếp tục xây dựng thương hiệu, phát huy tốt các giá trị cốt lõi, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, giới chyên gia cũng đề xuất các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, để từ đó có sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư xứng đáng. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin: Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan. Trong đó chú trọng những vấn đề cốt lõi là: sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định và có tính bền vững và kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức và uy tín.

Song song đó là đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải được thực hiện đồng thời cả ở 3 cấp độ: thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.

"Đối với doanh nghiệp cần phát huy khả năng sáng tạo trong hoạt động thiết kế, phát triển sản phẩm để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế. Song song đó, tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ để đảm bảo sản xuất sản phẩm chất lượng đồng đều, ổn định mang tính bền vững theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hoá, đạo đức, uy tín trong kinh doanh." - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý.