Chồng nghiện rượu, vợ ăn lá ngón
Trời sáng rõ, sửa soạn cho 2 con đi học xong, Đinh Thị Vum (26 tuổi, thôn Đắk Pao, xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) bắt tay vào quét tước, dọn dẹp nhà cửa. Căn nhà sàn của Vum rộng rãi, vào dạng nhất nhì trong thôn với đầy đủ các vật dụng là thành quả sau mấy năm liền “thuận vợ thuận chồng”, cùng nhau bảo ban làm ăn mà thành.
Vum xinh xắn, từng là học sinh giỏi Văn, tranh tài ở nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Đến lớp 11 - đang độ tuổi đẹp nhất của con gái thì Vum nghỉ học, lấy chồng. Cũng như bao người đàn ông khác trong thôn, Đinh Văn Hoàng (31 tuổi)- chồng Vum khi ấy thường xuyên trong cảnh sáng xỉn chiều say, không màng chuyện làm ăn. Mỗi lần Vum mở lời nhắc nhở, Hoàng lại làm ầm lên, đánh vợ.
“Cưới nhau năm 2014, rồi lần lượt 2 đứa con là Đinh Minh Khuya và Đinh Thị Kim Xuân ra đời. Kinh tế khó khăn mà chồng chỉ thích ăn nhậu nên buồn lắm. Bình thường rất thương vợ con, mà uống vào là như bị điên, hung dữ, đánh em sưng hết mặt mũi, chân tay”- Vum kể.
Đỉnh điểm là năm 2019, khi con gái chưa tròn một tuổi, vợ chồng Vum xảy ra cự cãi quyết liệt. Trong cơn say, những đòn roi, nắm đấm lại giáng xuống Vum… Đêm ấy, Vum ẵm con bỏ nhà, vượt đồi núi chạy trốn. Bao nhiêu đau đớn chất chồng, Vum hái nắm lá ngón cho vào túi, chờ đợi.
“Sáng hôm sau, em ẵm con trở về nhà, em nói là nếu không cần vợ nữa thì em cũng không sống làm gì, có sống anh cũng ghét em, khi nào uống rượu cũng xem em như ma quỷ. Anh ấy nói em muốn làm gì thì làm, đừng có dọa. Em tức quá, lấy lá ngón ăn luôn”- Vum hồi tưởng.
Ngưng giây lát, Vum nói tiếp: “đến khoảng 9 giờ sáng, Hoàng thấy em không bình thường, nằm một chỗ nên vội đưa đi bệnh viện. Lúc đó em cũng lo nếu chết thật, ai sẽ là người nuôi 2 đứa con. Ba em ở xã bên cạnh vội vàng chạy qua. Ông giận ghê lắm, đòi đánh chồng em. Sau khi được cứu sống, ba em không thèm liên lạc suốt 2 tháng liền. Ông nói với em, nếu sống không được thì về ba nuôi. Nhưng vợ chồng còn có tình có nghĩa, không thể nói bỏ là bỏ”...
Đinh Thị Nhiêu - chị gái của Hoàng kể thêm: “nó uống rượu từ thời chưa có vợ, càng về sau càng uống nhiều hơn. Rồi nó đánh con bé bầm hết cả người. Mình là chị nó mà cũng không bênh nó được. Nhiều lần tui bảo Vum bỏ chồng cho rồi, nhưng Vum không chịu”.
Sau lần chết hụt, Vum suy nghĩ kỹ càng mọi chuyện, thay vì khó chịu, cự cãi mỗi khi Hoàng say xỉn, Vum lại đợi lúc chồng tỉnh rượu rồi thủ thỉ tâm tình, khuyên nhủ.
“Em bảo, anh cứ uống rượu hoài, không lo chuyện làm ăn nên trong nhà không có gì cả. Những người không uống rượu, họ làm có tiền, nhà cái gì cũng có, con cái đầy đủ. Cùng giai đoạn này, bên xã triển khai mô hình “Nói không với rượu, bia”, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền nên gia đình em cũng đăng ký tham gia. Chồng em bắt đầu từ chối các lời rủ rê, 1 tháng, 2 tháng, rồi 1 năm, ổng bỏ rượu luôn. Giờ chỉ lo làm ăn thôi” - Vum cười, không giấu được niềm hạnh phúc ngời trên gương mặt.
Đồng lòng xây cuộc sống mới
Trước năm 2019, ở Đăk Pao, chuyện rượu bia say xỉn không phải hiếm gặp. Dân làng tối nào cũng tụ tập chè chén, nhiều người nghiện nặng, uống cả ngày lẫn đêm, bỏ bê gia đình và nương rẫy. Có nhà, cả vợ lẫn chồng đều nghiện rượu. Điển hình là vợ chồng Đinh Văn Tôn (38 tuổi) và Đinh Thị Mười (37 tuổi).
“2 vợ chồng uống cả ngày lẫn đêm, không lo làm ăn. Một ngày họ uống cả 2 lít rượu. Vợ chồng chị Mười từng nghiện rượu đến phát bệnh tâm thần, quên cả lối về, bạ đâu ngủ đó, không còn nhớ và lo cho 2 con đang nheo nhóc ở nhà”- chị Đinh Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Sơn Màu nhớ lại.
Ma men dẫn lối, nhiều gia đình ở Đăk Pao đứng trước bờ vực tan vỡ, con trẻ nheo nhóc, cuộc sống mỗi lúc một đi xuống, đói nghèo triền miền. Trong thôn có hơn 50 hộ, quá nửa trong số đó là hộ nghèo.
“Khi đi họp trên huyện, nghe mấy chị trên đó triển khai các mô hình, trong đó có mô hình “Nói không với rượu, bia”, thấy hợp với xã mình quá nên về xin cấp ủy, cấp ủy đồng ý rồi mới mạnh dạn làm. Hội LHPN xã được giao phát động mô hình này là do người đồng bào Ca Dong theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình" - chị Hằng giải thích.
Đăng ký với huyện xong rồi, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì lại vướng phải nhiều nỗi lo, nhất là sợ người dân không đồng thuận. Đường lên Đăk Pao khi ấy còn khó khăn, xa xôi cách trở, chị Hằng cùng cán bộ hội phụ nữ phải băng rừng, đi bộ lên thôn lấy ý kiến của dân mấy lần.
“Sợ mô hình này không làm được nhưng rồi anh Đinh Văn Sanh - khi đó là trưởng thôn Đăk Pao, bây giờ là trưởng ban công tác mặt trận đã rất ủng hộ. Anh ấy bảo ai vi phạm thì nộp phạt, lấy tiền phạt đó làm quỹ mà lo cho họ lúc ốm đau, đi bệnh viện” - chị Hằng kể.
"Kết quả ngoài mong đợi ở làng " Đắk Pao đã tác động đến ý thức người dân. Xã đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này ra cả 3 thôn còn lại"- ông Đinh Văn Lia - Chủ tịch UBND xã Sơn Màu cho biết.
Vào một đêm trăng mùa hè 3 năm trước, sau bữa cơm tối, khi bọn trẻ ngồi vào bàn học, tất cả các cặp vợ chồng tập trung về nhà văn hóa thôn để ký cam kết nói không với rượu, bia.
Người dân chỉ được dùng rượu, bia khi gia đình có giỗ, cúng, tiệc, nhưng chừng mực. Ai uống rượu, bia quá chén, say xỉn bị lập biên bản, phạt tiền 50.000 đồng lần thứ nhất và 100.000 đồng lần thứ hai. Điều đáng mừng là tất cả người dân dự họp vỗ tay tán đồng và vui vẻ ký vào bản cam kết.
“Hồi trước mình uống rượu nhiều, nhưng thấy mô hình này hay và cần thiết nên phải làm. Cứ say xỉn thì nghèo mãi thôi, không khá lên được”- anh Đinh Văn Sanh bày tỏ.
Trong số những gia đình ký bản cam kết hôm đó, có cả vợ chồng anh Đinh Văn Tôn và chị Đinh Thị Mười - 2 “sâu rượu” của Đăk Pao. Nhưng ma men khó bỏ, có lần, chồng chị Mười vi phạm cam kết, cả làng họp ở nhà văn hóa yêu cầu nộp phạt nhưng nghèo quá nên không có tiền.
“Sau lần đó là 2 vợ chồng bỏ hẳn rượu, lo làm ăn. Sức khỏe cũng khá lên, nước da không còn vàng vọt như lúc còn nghiện rượu. 2 tháng trước, chị Mười với anh Tôn rủ nhau đi Tây Nguyên làm ăn rồi. Đợt 20/10, thôn có xét biểu dương, khen thưởng cho chị Mười nhưng vắng nhà nên vẫn giữ lại, đợi chị ấy về thì trao thưởng” - chị Hằng vui vẻ nói.
Chỉ mới 3 năm, nhưng làng "nát rượu" năm nào không còn nữa, Đắk Pao đã thay đổi nhiều so với trước. Chẳng còn cảnh khề khà, ngất ngưởng bên chiếu rượu từ sáng đến chiều. Bây giờ, ban ngày hiếm lắm mới có người dân ở nhà. Trẻ em đi học, người lớn đi làm.
Mùa này, người vào Tây Nguyên hái cà phê, người ở quê đi thu hoạch keo, ngày cũng kiếm được 200 - 300.000 đồng. Bỏ được bia rượu ai, cũng ham làm ăn, có mấy hộ đã thoát nghèo, con trẻ được cha mẹ chăm chút học hành tiến bộ hẳn lên.
“Mô hình này hay lắm, nghe bảo năm sau xã sẽ nhân rộng thêm. Phải bỏ ma men thì mới lo làm ăn, mới hạnh phúc được” - Đinh Thị Vum cười, chia sẻ.