Sáng nay (8/6), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào lúc 8 giờ 10 phút (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.849 USD/ounce, tăng 9 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, giá vàng thế giới chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội) tại thị trường Mỹ đứng ở mức hơn 1.851 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Trong khi đó, giá vàng SJC trên thị trường tự do sáng nay giảm mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,85 – 69,75 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68,85 – 69,77 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng mạnh 100.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đều đã tăng đến 300.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,6 – 69,55 triệu đồng/lượng, giữ giá chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 950.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 68,8 – 69,6 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 53,9 – 54,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 750.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold loại 1 chỉ niêm yết giá mua - bán quanh mức 55,7 – 54,62 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng giữ giá chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Sau hơn 3 tháng diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine, một số nền kinh tế đã đánh giá được tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng. Mới đây, nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới và lớn nhất châu Âu là Đức đã cho thấy, các đơn đặt hàng công nghiệp của nước này giảm mạnh trong tháng Tư, với mức giảm 2,7% so với tháng 3, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tháng thứ 3 giảm liên tiếp, nguyên nhân bởi xung đột tại Ukraine. Các mặt hàng tư liệu sản xuất giảm mạnh nhất trong tháng 4, với mức giảm 4,3% so với tháng trước. Đặc biệt, đơn đặt hàng trong nước Đức chỉ giảm 0,9%, nhưng các nước khác trong khu vực châu Âu giảm mạnh nhất 5,6% so với tháng trước. Điều này cho thấy, các ngành hàng sản xuất ở các quốc gia đang mua sắm hàng hóa, tư liệu, máy móc của Đức có dấu hiệu kém đi.
Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,9%, thấp hơn nhiều mức dự báo trước đó hồi tháng 1/2022 WB đưa ra là tăng trưởng 4,1%. Trong đó, dự báo tăng trưởng GDP của Ukraine sẽ giảm mạnh nhất 45%; Nga sẽ giảm 8,9% trong năm 2022.
Dự báo sản xuất kém đi, kinh tế sụt giảm tăng trưởng, đây là nguyên nhân đẩy giá vàng tăng khi nhà đầu tư mua vào kim loại quý để đề phòng rủi ro.