Giá xăng dầu chốt tuần ở mức đỉnh của 9 năm

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng do chiến sự giữa Nga và Ukraine đẩy thị trường dầu thô khan hiếm, qua đó khiến giá xăng dầu hôm nay (6/3) khép tuần giao dịch ở mức đỉnh của 9 năm.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, chốt tuần giao dịch, ngày 6/3 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 115 USD/thùng, tăng 7,33 USD trong phiên, là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 118,04 USD/thùng, tăng 7,58 USD trong phiên, là mức cao nhất kể từ tháng 2/2013.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia phân tích, ngay phiên giao dịch đầu tuần ngày 28/2, lo ngại nguồn cung năng lượng, trong đó có dầu thô và khí đốt tự nhiên bị gián đoạn đã đẩy giá dầu tăng mạnh. Đặc biệt, khi Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục có các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga cũng như việc trợ y tế, tài chính, đặc biệt là vũ khí để Ukraine chống lại các đợt tấn công của Nga. Không chỉ chính phủ các nước, nhiều tổ chức, công ty năng lượng đã đưa ra các tuyên bố chấm dứt các mối liên kết với các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng của Nga.

Việc vận chuyện khí đốt của Nga qua Ukraine, với công suất ước tính hiện nay khoảng 100 triệu m3/ngày, cũng được cho sẽ khó duy trì được lâu nếu như các cuộc xung đột không sớm được chấm dứt.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 28/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 96,1 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 101,79 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thô tiếp tục gia tăng trong những phiên giao dịch sau đó khi những lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga. Giới phân tích cho rằng, những lệnh trừng phạt này có thể không nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng nhưng về lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung bởi các vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển, thanh toán các hợp đồng.

Các chuỗi cung ứng, xuất khẩu của Nga đang đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, từ dầu đến ngũ cốc khi nhiều ngân hàng của nước này bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

PVOIL nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước (ảnh minh họa).
PVOIL nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước (ảnh minh họa).

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hoá mà Nga là nhà sản xuất lớn có thể đẩy giá các mặt hàng này tăng cao, trong đó ngân hàng này đã nâng mức dự báo giá dầu Brent từ mức 95 USD/thùng lên 115 USD/thùng trong vòng 1 tháng tới. Thậm chí tình hình có thể nghiêm trọng hơn nếu như Nga quyết định “đóng cửa” toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu. Nga hoàn toàn có thể đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách giảm hoặc ngừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu sang châu Âu.

“Thị trường dầu vốn đã bị thắt chặt nguồn cung có thể càng thắt chặt hơn sau khi Nga tấn công Ukraine” - Chủ tịch Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates phát biểu.

Trong bối cảnh nguồn cung dầu thắt chặt, quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng của OPEC+ được xem “ngòi nổ” đẩy giá dầu tiếp tục tăng cao. Giá dầu tăng mạnh còn bởi giá khí đốt ở châu Âu liên tiếp tăng mạnh và đạt mức cao nhất mọi thời đại trong phiên 4/3. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE của London, giá khí đốt kỳ hạn tháng 4 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên 2.392 USD/1.000 m3, vượt qua kỷ lục 2.280 USD được thiết lập vào ngày trước đó.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường dầu thô được dự báo sẽ còn lớn hơn nếu như cuộc xung đột Nga – Ukraine không chấm dứt và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây tiếp tục được áp đặt với Nga. Là nước có sản lượng khai thác lớn nhưng công suất lọc dầu ở Nga lại rất khiêm tốn, chính vì vậy, Nga vẫn luôn được biết đến nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Chính điều này đã giúp giá dầu duy trì đà tăng mạnh trong suốt tuần giao dịch từ ngày 28/2, bất chấp đồng USD mạnh hơn và vòng đàm phán hạt nhân Iran có nhiều tín hiệu tích cực mở ra cơ hội cho khoảng 1 triệu thùng/ngày dầu Iran trở lại thị trường.

Ở diễn biến mới nhất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đứng trước áp lực phải cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga. Giới phân tích lo ngại, nếu điều này được thực hiện, nó sẽ tạo ra hiệu ứng Domino khi nhiều nước sẽ nối gót Mỹ và áp dụng các biện pháp cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga.

Trước đó, Canada đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga. Ngoài ra, nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới đã loại dầu Urals, giá cước vận tải dầu từ Nga cũng tăng vọt, trong khi các công ty bảo hiểm từ chối cung cấp dịch vụ đối với tàu chở dầu, chủ tàu chở dầu về cơ bản cũng không muốn đưa tàu đến Nga để chở dầu thô. Những khó khăn trong khâu vận chuyển và thanh toán các hợp đồng dầu của Nga khiến các nhà giao dịch ngần ngại, lựa chọn tìm kiếm các nguồn cung dầu khác.

Thông tin các nước thành viên Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu chiến lược của họ được xem là “con dao 2 lưỡi” cho thấy áp lực thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường dầu thô ngày một lớn, và vì vậy nó cũng không đủ kiềm chế đà tăng của giá dầu.

Dầu Nga đang ế và gần như không có giao dịch. Điều này có nghĩa thị trường dầu thô vốn đang bị thắt chặt nguồn thì nay sẽ phải tìm kiếm nguồn cung khác thay thế hoặc tình trạng thiếu hụt sẽ nghiêm trọng hơn. Các dữ liệu thống kê cho thấy, Nga từng xuất khẩu từ 4 – 5 triệu thùng/ngày và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần