Giá xăng dầu hôm nay 17/7: Giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng USD yếu hơn, nguồn cung thiếu hụt đã giúp giá dầu thô có 2 phiên cuối tuần tăng phi mã. Song, giá dầu vẫn ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe ngày 17/7, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 94,38 USD/thùng, tăng 1,55 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 100,94 USD/thùng, tăng 1,84 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 11/7 với xu hướng tăng, khi thị trường ghi nhận thông tin sản lượng của OPEC trong tháng 6/2022 giảm. Theo Reuters, sản lượng của 10 nước thành viên OPEC trong tháng 6/2022 đã giảm 100.000 thùng/ngày, xuống còn 28,52 triệu thùng/ngày. Mức sản lượng này thấp hơn khoảng 275.000 thùng/ngày so với mức cam kết của OPEC.

Thông tin này từ OPEC càng làm cho thị trường thêm phần hoài nghi về khả năng OPEC và các nước đồng minh (OPEC+), có thể thực hiện được mức tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8/2022.

Thị trường cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc khôi phục trở lại khi chính quyền thành phố Bắc Kinh vừa công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy quá trình phục hồi sau thời gian dịch bệnh.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 11/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 101,78 USD/thùng, tăng 0,25 USD/thùng trong phiên. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 107,40 USD/thùng, tăng 0,38 USD/thùng trong phiên.

Tuy nhiên, kể từ cuối phiên 11/7, khi thị trường ghi nhận nhiều thông tin tiêu cực về dịch bệnh tại Trung Quốc và lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng, giá dầu thô đã quay đầu giảm mạnh.

Người lao động dầu khí Petrovietnam trên giàn khoan (ảnh minh họa).
Người lao động dầu khí Petrovietnam trên giàn khoan (ảnh minh họa).

Trước diễn biến của dịch Covid-19, nhiều khu vực tại Trung Quốc đã phải tái áp dụng các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại. Tại châu Âu, nguy cơ về cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế đang ngày một lớn hơn khi hầu hết nền kinh tế của khu vực ghi nhận lạm phát ở mức cao kỷ lục.

Các dự báo về mức tăng trưởng kinh tế liên tục được điều giảm so với trước đó. Đồng USD cũng vọt tăng lên mức cao nhất 20 năm khi thị trường đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất ở mức 75 điểm phần trăm, thậm chí là 100 điểm phần trăm.

Bước vào phiên ngày 13/7, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 91,75 USD/thùng, giảm 1,56 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 98,40 USD/thùng, giảm 1,09 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 7,8 USD so với cùng thời điểm ngày 12/7.

Nhưng cũng kể từ thời điểm này, khi đồng USD yếu hơn và nỗ lực tăng sản lượng khai thác của các nhà cung cấp được nhận định đã tới hạn, khó có thể tăng hơn nữa đẩy giá dầu thô quay đầu tăng.

Thị trường cũng đặt kỳ vọng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh và áp lực suy thoái kinh tế sẽ hạ nhiệt khi các nước cũng chung nỗ lực hạ nhiệt lạm phát, các chuỗi cung ứng hàng hoá, sản xuất được nối lại.

Dự trữ khí đốt của châu Âu cũng đang ở mức thấp kỷ lục sẽ buộc các nước khu vực này phải có kế hoạch, giải pháp để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng, trong đó có cả việc tìm kiếm các nguồn cung dầu thô thay thế.