Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 26/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 112,77 USD/thùng, tăng 0,35 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 119,29 USD/thùng, tăng 0,26 USD/thùng trong phiên.
Phân tích của giới chuyên gia, bất chấp nỗ lực giảm phụ thuộc của EU vào các hợp đồng cung cấp năng lượng từ Nga, lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng đẩy giá dầu ngày 26/3 đi lên.
Người phát ngôn quân đội của Houthi (Yemen) cho biết, nhóm này đã tấn công bằng tên lửa các cơ sở Tập đoàn dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia ở thành phố cảng Jeddah, đồng thời tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy lọc dầu Ras Tanura và Rabigh. Trước đó 5 ngày, Houthi cũng bắn tên lửa và sử dụng máy bay không người lái tấn công vào một số cơ sở năng lượng của Saudi Arabia.
Trong khi đó, các công ty dầu mỏ Mỹ được cho là đang gặp khó trong việc gia tăng sản lượng, khi chịu sức ép hoàn vốn cho cổ đông thông qua lợi tức cũng như việc mua lại cổ phiếu.
Một khảo sát gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ tại Dallas cho thấy, 59% CEO của các công ty dầu mỏ cho rằng sức ép đối với các nhà đầu tư trong việc duy trì nguyên tắc vốn là nguyên nhân chính khiến các công ty sản xuất dầu mỏ đã niêm yết cổ phiếu chưa tăng sản lượng.
Giá dầu hôm nay tăng còn do thị trường ghi nhận thông tin sản lượng khai thác dầu của Mỹ đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 18/3, sản lượng sản xuất của nước này được ghi nhận ở mức 11,6 triệu thùng/ngày, giảm tới 10% so với mức cuối năm 2019.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cũng càng được củng cố khi nhiều nguồn tin được phát đi cho thấy Mỹ đang cân nhắc xả thêm kho dự trữ dầu thô.
Ngược lại, đà tăng của giá dầu ngày 26/3 cũng bị hạn chế đáng kể bởi đồng USD mạnh hơn, và EU ký thoả thuận khí đốt với Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.