Giá xăng, dầu, thuế và bàn ăn mỗi gia đình

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến mặt bằng giá cả nói chung, đến túi tiền DN và đến bàn ăn của mỗi gia đình.

Hiện, các khoản thuế, phí được tính trên giá xăng gồm: thuế nhập khẩu, thuế VAT, chi phí định mức lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40 - 55% đối với xăng và 35 - 50% đối với dầu.

Có thể thấy, thuế đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ cấu giá xăng dầu. Vì thế, muốn giảm giá nhiên liệu này trong bối cảnh nguồn cung căng thẳng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá hiện nay, sử dụng công cụ thuế là một giải pháp cần thiết.

Thời gian qua, hàng loạt các điều chỉnh về thuế để điều tiết giá xăng dầu, hỗ trợ người dân, DN trong bối cảnh giá đầu vào nguyên liệu này tăng cao đã và đang được các cơ quan chức năng thông qua, triển khai và tiếp tục đề xuất.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP quy định, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế sẽ được sửa đổi thành các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới.

Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%. Đây là mức điều chỉnh tăng thêm so với đề xuất trước đó là 8%.

Chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các DN nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN (do xăng dầu đang chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước trong ASEAN). Qua đó, thúc đẩy sự ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động khó lường, khó dự báo.

Về thuế bảo vệ môi trường, ngày 11/7/2020, Nghị quyết của Chính phủ đã điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022.

Về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, ngày 28/7/2022, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng quy định.

Về tác động đến ngân sách, việc điều chỉnh giảm các loại thuế xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến “bầu sữa” ngân sách. Tuy nhiên, lâu dài, khi giá xăng dầu giảm sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, DN nộp thuế - những nguồn thu quan trọng.

Hay viêc giảm thuế MFN với mặt hàng xăng dù không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách, cũng không khuyến khích DN mở rộng nhập khẩu từ thị trường MFN để hưởng ưu đãi giảm thuế vì xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam, thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA ưu đãi nhưng cũng là cơ hội mở ra cho DN tiếp cận các thị trường khác.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định, đa dạng hóa nguồn cung xăng, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần kiềm chế sự gia tăng của giá xăng dầu trong nước, việc điều chỉnh giảm thuế là phương án hợp lý. Điều này cũng thể hiện nỗ lực của các cơ quan quản lý trong tìm ra các giải pháp hỗ trợ người dân, DN phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách từ xăng dầu vẫn chiếm tỷ lệ lớn hiện nay, đòi hỏi phải có quá trình đánh giá tác động đa chiều. Câu chuyện kiểm soát giá và chống buôn lậu xăng, tăng dự trữ nguồn cung, tiếp tục hỗ trợ an sinh cho người dân… cũng cần được tính đến để điều khiển, can thiệp trong trường hợp cần thiết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần