Lao đao vì giá xăng tăng
Anh Lê Văn Hiền (Hà Nội) - tài xế của hãng taxi Mai Linh cho hay, hiện tại, tài xế của các hãng taxi truyền thống đang rất khó khăn do người dân hạn chế đi lại. Theo anh Hiền, từ thời điểm đầu năm 2021, không ít tài xế đã “đắp chiếu” xe, giờ lại cộng thêm tăng giá xăng thì đúng là khó chồng khó bởi nếu chạy chỉ càng thêm lỗ.
“Trung bình 1 ngày, tôi chạy khoảng 100km, trong đó khoảng 50km là có khách với doanh thu hơn 600.000 đồng/ngày, song phải chi phí tới 400.000 đồng, gồm: 220.000 đồng tiền xăng, 80.000 đồng phí gọi đàm của hãng, 100.000 đồng phí cầu đường. Đó là chưa kể các loại phí cộng gộp hàng tháng khác và khấu hao xe. Như vậy, thời điểm này, tài xế chạy xe gần như là không có lãi, thậm chí là lỗ nếu giá xăng tiếp tục tăng vào các kỳ điều chỉnh tới” – anh Hiền than thở.
Với mức giá xăng vượt 25.000 đồng/lít, các DN sản xuất, dịch vụ, nhất là vận tải càng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Bởi, xăng dầu là đầu vào của đa số các ngành nghề này, khi chi phí vận tải tăng thì đẩy giá hàng hóa, dịch vụ vận chuyển tăng theo.
Giám đốc Công ty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải chia sẻ, nhà xe có nhiều năm hoạt động vận tải hành khách chuyên tuyến Hải Phòng - Hà Nội và ngược lại.
Giá xăng dầu tăng mạnh, cộng với việc phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến chi phí vận tải đội lên đáng kể. Từ nhiều tháng nay, vận tải hành khách thua lỗ. DN đang nỗ lực giữ nguyên giá cước, nhưng nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng như hiện nay, DN buộc lòng phải điều chỉnh.
Từ chiều 11/2, giá xăng RON 95 trong nước vượt mốc 25.000 đồng/lít. So với đầu năm 2021, mặt hàng tăng gần 8.700 đồng/năm. Sau 3 lần tăng liên tiếp đầu năm, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 8 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.069 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 818 đồng đối với xăng RON 95.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, DN trong lĩnh vực vận tải đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã phải nằm bãi vì không có khách, không có hàng để chạy. Cùng với đó, DN vẫn phải “gồng mình” chi trả một số khoản chi phí định kỳ như: Lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định và phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi… Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động và hoạt động của các DN.
Sức ép lớn lên giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ
Theo phản ánh của các tiểu thương ở một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội như: Hà Đông, Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), Thành Công (quận Ba Đình), giá hàng hóa đã rục rịch tăng nhẹ từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tới đây, giá rau củ quả và nhiều mặt hàng thiết yếu khác sẽ tiếp tục tăng bởi cước phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu.
Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế&Đô thị cho thấy, so với thời điểm đầu năm 2021, giá thực phẩm tươi sống, gạo, dầu ăn và các loại thực phẩm chế biến sẵn... đã tăng 10-30% vì đà tăng liên tục của giá xăng dầu.
Do sức ép giá thực phẩm tăng, cộng với giá ga “phi mã”, nhiều chủ quán ăn cho biết, sắp tới buộc phải tăng giá bán để duy trì hoạt động của cửa hàng. Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ quán bún thịt, mọc, chân giò trên phố Nguyên Hồng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho hay: “Do giá cả hàng loạt các loại thực phẩm nguyên liệu, gia vị tăng nên tôi đang cân nhắc và sẽ tăng giá bán vào đầu tháng tới, dự kiến với mức tăng 5.000 đồng/suất.
Khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng khác tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Với ngành vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm 40% giá cước vận tải, nên giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải tăng theo. Giá cước tăng sẽ đẩy giá thành các sản phẩm tăng, đây sẽ là hệ quả tất yếu không thể tránh.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Trước đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) đã có báo cáo đánh giá trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Do đó, trong kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá xăng dầu liên tục tăng sẽ tạo áp lực cho lạm phát. Giá xăng dầu tăng cũng có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của DN trong nước. Đáng lo ngại, giá xăng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh của DN sau thời gian dài bị ngưng trệ vì dịch bệnh.