Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ ở vùng chè cổ trăm năm

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là sinh kế, những gốc chè cổ hàng trăm năm tuổi còn là niềm tự hào của người dân vùng đất Lộc Thanh, là kỷ vật, tài sản được ông bà truyền lại cho con cháu.

Truyền giữ qua nhiều thế hệ

“Chè Lộc Thanh có đặc trưng riêng, mới uống vào có vị đắng, chát nhưng khi nuốt xuống cổ họng thì lưu lại vị ngọt, thơm trên đầu lưỡi. Lá chè khi nấu đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn thơm và đậm vị” - bà Nguyễn Thị Hương (thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vừa rót ly nước chè xanh, vừa tự hào giới thiệu về sản vật của quê hương mình.

Chè xanh là nước uống quen thuộc của nhiều gia đình ở Lộc Thanh.
Chè xanh là nước uống quen thuộc của nhiều gia đình ở Lộc Thanh.

Khoan khoái nhấp ngụm chè tươi, bà Hương lại tỉ tê: “Vùng này nhà nào cũng uống nước chè. Chè ngon thì phải chọn loại không quá non hoặc quá già, lá chè non thì nước nhạt màu, vị không đậm, lá già nước không còn vị ngọt mà lại chát. Lá, cành rửa sạch, vò sơ rồi mang đi nấu. Nước nấu cũng quan trọng, ở đây, người ta lấy ở giếng sỏi, không bị váng phèn để giữ cho màu nước không bị đỏ bầm. Chè xanh muốn thơm và đậm thì phải nấu cả lá lẫn cành”.

Miên man trong dòng hồi tưởng, bà Hương cũng không rõ cây chè gắn bó với vùng Lộc Thanh từ khi nào. Chỉ là hỏi qua nhiều cụ cao niên trong làng, đều bảo rằng từ bé đã theo người lớn lên rẫy hái chè, cộng theo tuổi ước tính cũng trên trăm năm. Đời trước truyền lại cho đời sau, những rẫy chè vì lẽ đó mà trở thành tài sản vô giá của mỗi gia đình, được gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Ông Trần Văn Thống đang sở hữu gần 1ha trồng chè xanh.
Ông Trần Văn Thống đang sở hữu gần 1ha trồng chè xanh.

Chồng bà Hương là ông Trần Văn Thống, đang sở hữu rẫy chè gần 1ha từ thời ông bà để lại. Đặc biệt, trong số này, có khoảng 200 gốc chè cổ trên 100 năm tuổi. Những thân chè gân guốc, khoác lên mình bộ áo rêu phong, chiều cao không quá đầu người với lộc non mơn mởn như khẳng định sức sống mãnh liệt của giống cây này, bất chấp thời tiết khắc nghiệt.

“Nếu như để phát triển bình thường thì mấy cây chè này phải cao 2 - 5m, không khác gì những vườn chè cổ thụ nức tiếng ở Tây Bắc. Tuy nhiên, để tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch nên người dân thường cắt tỉa bớt cành, cách này còn tránh được tình trạng gãy đổ vào mùa mưa bão và tạo tán cho những lần thu hoạch kế tiếp” - ông Trần Văn Thống chia sẻ.

Một gốc chè cổ thụ trong rẫy nhà ông Thống.
Một gốc chè cổ thụ trong rẫy nhà ông Thống.

Trước đây, có nhiều hộ dân chặt phá cây chè để lấy đất trồng cao su, keo, nhưng ba mẹ ông Thống nhất quyết giữ lại. Nhờ đó mà bây giờ, ngày nào vợ chồng ông cũng kiếm được từ 300.000 - 400.000 đồng từ việc thu hoạch chè, bán cho thương lái. Rẫy chè trở thành một trong những nguồn thu nhập chủ lực của gia đình.

Giấc mơ chè cổ

Nhấp ngụm chè tươi còn nghi ngút khói, ông Trần Ngọc Giàu thủng thỉnh: "Có lẽ ở khắp tỉnh Quảng Ngãi, ít nơi nào còn nhiều vườn chè trăm tuổi như ở Lộc Thanh. Người dân địa phương chúng tôi luôn mơ về một vùng chè cổ thụ này sẽ hấp dẫn du khách thập phương đến tham quan".

Rẫy chè của người dân Lộc Thanh.
Rẫy chè của người dân Lộc Thanh.

79 tuổi, ông Giàu là người hiểu rõ về giá trị của cây chè quê mình, cũng như từng chứng kiến sự “quay lưng” của người dân với cây trồng truyền thống này. Cây chè Lộc Thanh có lá nhỏ, dày, khi uống có vị chát rất đặc trưng. Bởi vậy nên từ lâu, chè Lộc Thanh nổi tiếng gần xa với hương thơm đậm đà, khác biệt. Sau giải phóng, vùng đất Lộc Thanh được phủ một màu xanh mướt của cây chè. Đến giai đoạn 1990 - 2000, tiểu thương khắp nơi tìm về Lộc Thanh để mua chè, mang đi tiêu thụ.

Những năm sau đó, thời cuộc thay đổi, không ít cây chè trăm năm tuổi ngã xuống, nhường chỗ cho các giống cây mới như keo, cao su… phát triển. Nhưng rồi, vài ba năm gần đây, khi các cây công nghiệp không thể trụ vững và không mang lại lợi ích kinh tế như mong đợi ở vùng đất này, người dân mới nhận ra giá trị cây chè truyền thống và tập trung gây dựng lại.

79 tuổi, ông Trần Ngọc Giàu đã chứng kiến sự thăng trầm của cây chè ở Lộc Thanh.
79 tuổi, ông Trần Ngọc Giàu đã chứng kiến sự thăng trầm của cây chè ở Lộc Thanh.

Đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng chỉ những lúc ốm đau, mưa gió, ông Giàu mới ở nhà, còn lại ngày nào ông cũng lặn lội lên đồi để hái chè. Bên cạnh những gốc chè tuổi đời gấp đôi, gấp ba tuổi của ông là những cây chè do con cháu của ông trồng, đang bắt đầu cho thu hoạch.

 

“Những đồi chè cổ thụ là niềm tự hào của người dân Lộc Thanh nói riêng và xã Bình Minh nói chung. Với những giá trị do cây chè mang lại, xã đã đưa loại cây này vào đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Bên cạnh đó, kiến nghị UBND huyện Bình Sơn nghiên cứu để mở rộng thêm diện tích bằng việc khuyến khích người dân đầu tư chăm bón, thu hút cơ sở chế biến... với mong muốn xây dựng thương hiệu cho chè cổ Lộc Thanh. Điều này không chỉ giúp ổn định thu nhập cho người nông dân, mà còn là cách để hương chè xanh Lộc Thanh bay xa hơn” - ông Trần Văn Dân - Chủ tịch UBND xã Bình Minh chia sẻ.

Giống chè xanh dường như chỉ dành cho mảnh đất Lộc Thanh, bởi nhiều người vì yêu thích vị chè bản địa này đã thử mang giống về trồng nhưng đều không thành công. Còn tại Lộc Thanh, dù hầu như không có sự chăm bón nhưng những rẫy chè vẫn xanh tốt trăm năm, cứ thế bén rễ sâu vào đất và tạo ra thứ nước uống làm say đắm bao người.

Hiện ở Lộc Thanh có khoảng 80 hộ vẫn gìn giữ vườn chè cổ hàng trăm năm tuổi. Với người dân vùng này, cây chè có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó không đơn thuần là nông sản sinh lợi, mà còn là kỷ niệm của mỗi gia đình, là niềm tự hào về quê hương xứ sở. Để giữ gìn và nhân giống chè địa phương, nhiều gia đình tiếp tục chiết cành, gieo hạt để trồng thêm những vườn chè mới, nâng tổng diện tích chè ở vùng lên gần 100ha.

Cây chè đang được người dân gìn giữ và phát triển thêm.
Cây chè đang được người dân gìn giữ và phát triển thêm.

“Ly nước chè vừa giải khát, xua tan mệt mỏi cho người nông dân sau khi lao động vất vả, vừa là thức uống không thể thiếu sau mỗi bữa cơm gia đình. Tất cả điều đó đã làm nên một hương vị riêng, không thể trộn lẫn, ăn sâu vào tiềm thức những người con ở Lộc Thanh. Ai xa quê, mỗi bữa cơm lại chạnh lòng bồi hồi nhớ nhà, nhớ vị nước chè xanh…” - ông Giàu nhìn xa xăm, vừa tự hào, vừa hoài cổ.