Khi sinh viên trốn véVới mức giá 7.000 đồng/lượt mua vé, nếu mua vé tháng sẽ giảm hơn rất nhiều. Song những năm qua, học sinh, sinh viên đã có nhiều chiêu trốn vé. Điều này đã tạo sự bất công trong VTHKCC, khiến nhiều học sinh bức xúc. Tại tuyến xe buýt số 2, đi từ Bệnh viện 108 đến trường ĐH Hà Nội, phụ xe từng phát hiện một nữ sinh mượn xé tháng của bạn trai để dùng. Khi người phụ xe thấy nghi ngờ, yêu cầu kiểm tra lại thì nữ sinh này lúng túng rút thẻ ra để kiểm tra. Quả nhiên, đây là chiếc thẻ có hình chụp nam giới.
|
Học sinh đi học bằng xe buýt BRT tại nhà chờ trên phố Giảng Võ. Ảnh: Văn Học |
Ngoài trốn vé kiểu mượn vé tháng của người khác, lợi dụng lúc lên xe đông người, phụ xe kiểm tra không kỹ là các đối tượng… được qua. Một số khác cũng lợi dụng khi lên xe đông người nhanh chóng tìm ngay vào chỗ khuất hòng chờ phụ xe sơ ý quên không thu tiền, xé vé. Không ít người đã bị thanh tra, kiểm tra đột xuất, phát hiện thiếu vé nên bị lập biên bản.
Phải khẳng định việc trốn vé, đi lậu vé là hành vi không trung thực, đã xảy ra từ nhiều năm qua. Khi sinh viên, học sinh trốn vé, không chỉ làm ảnh hưởng đến người khác, mà còn ảnh hưởng đến văn hóa giao thông, khiến cho những người tham gia VTHKCC nghĩ rằng, đây là môi trường có gian dối, thiếu trung thực.
Làm sao để sinh viên thích đi xe buýt?Tôi đã từng kiểm nghiệm sự chênh lệch thời gian khi đi xe buýt vào giờ thường và giờ cao điểm, là khoảng cách khá xa. Ví dụ, tuyến xe buýt nhanh BRT từ Kim Mã đi Yên Nghĩa (tổng chiều dài 14,7km), đi vào ngày thứ Bảy từ Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa là 42 phút (trong khoảng thời gian quy định). Vào giờ cao điểm, thời gian di chuyển hết khoảng 60 phút. Ở một tuyến khác, xe buýt thông thường (số xe 36), đi từ khu Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đến điểm dừng Bệnh viện Việt Nam - Cuba (số 37 Hai Bà Trưng) hết 39 phút (giờ thường), giờ cao điểm mất khoảng 55 - 65 phút. Minh Phú, học sinh trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Đi xe buýt nhanh BRT cũng tiện nhưng giờ cao điểm làn đường riêng của BRT bị lấn nên di chuyển chậm. Điều này ảnh hưởng tới giờ đến trường của học sinh”.
Thực tế cho thấy, không chỉ việc lấn làn hay ùn tắc giao thông khiến học sinh, sinh viên và người dân chưa thực sự mặn mà với xe buýt, mà lý do nữa là điểm trung chuyển xe cũng còn hạn chế, bất tiện. Theo khảo sát, 40% khách đi xe buýt phải đi bộ hơn 500m để đến điểm dừng, đỗ xe buýt. Vì thế, việc tạo điều kiện tốt hơn để học sinh, sinh viên tiếp cận xe buýt là rất cần thiết.
Để học sinh, sinh viên “nói có” với xe buýt, phải tạo môi trường an toàn cả khi lựa chọn đó là phương tiện di chuyển, tức là làm sao để từ lúc lên xe, ở trên xe và xuống khỏi xe đều được an toàn, không bị kẻ xấu móc túi. Những năm qua, tình trạng móc túi, sàm sỡ học sinh, sinh viên đi xe buýt xảy ra khá phổ biến. Khi sự việc được đưa lên mạng xã hội, sẽ khiến cho các em sợ xe buýt.
Cùng đó là sự phối hợp của các lực lượng chức năng, cơ quan văn hóa, nhà trường, gia đình và chính học sinh, sinh viên. Từ việc gìn giữ trật tự nơi cổng trường, tuyên truyền để học sinh đội mũ bảo hiểm nếu sử dụng xe đạp điện, xe máy điện , đến việc tạo môi trường thuận lợi cho học sinh, sinh viên lựa chọn xe buýt. Làm sao để việc di chuyển không chỉ hanh thông, an toàn, mà chính những người lái xe phải có tâm, bảo đảm yên tâm cho người đi đường, người trên xe.