Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán công nghệ vaccine Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới, và mục tiêu này vẫn đang bị trì hoãn do nhiều lý do.

Hiểu và ứng dụng được công nghệ hiệu quả nằm trong số những cách tiếp cận nhằm thúc đẩy mục tiêu vì một thế giới đủ vaccine phòng Covid-19.
Giải nghĩa công nghệ sản xuất vaccine Covid-19
Các loại vaccine Covid-19 khác nhau sử dụng các công nghệ hoặc nền tảng khác nhau. Có 3 cách tiếp cận chính khi sản xuất. Thứ nhất là “dùng cả con virus cấy vào người” (whole virus or bacterium);  thứ hai là dùng một phần của virus để kích hoạt miễn dịch; thứ ba: Chỉ dùng vật liệu di truyền (genetic material). Từ 3 cách tiếp cận này, hơn 200 loại vaccine đã được sản xuất, thử nghiệm trên toàn cầu.
 Hiện có 3 loại vaccine Covid-19 chính phổ biến trên thị trường. Ảnh: Reuters. 
Cho đến nay có 3 loại vaccine Covid-19 chính phổ biến trên thị trường: Vaccine bất hoạt, vaccine công nghệ vector và vaccine công nghệ thông tin RNA (mRNA).

Cụ thể, cách tiếp cận thứ nhất được các hãng sử dụng, tạo ra 3 loại vaccine chính là vaccine bất hoạt (activated vaccine), vaccine “sống” đã được giảm độc lực (Live-attenuated vaccine) và vaccine công nghệ vector (Viral vector vaccine).

Trong công nghệ sản xuất vaccine Covid-19, với cách tiếp cận vaccine bất hoạt hay vaccine “sống” là những cách làm vaccine truyền thống. Vaccine chứa virus đã chết khi được cấy vào cơ thể người sẽ kích thích phản ứng tạo miễn dịch của cơ thể - hay còn gọi là kháng nguyên. Hiện các loại vaccine Trung Quốc - của Sinovac và Sinopharm chủ yếu sử dụng nền tảng này.
Tiếp theo, vaccine công nghệ vector là loại vaccine AstraZeneca sản xuất, cũng là cách mà Sputnik V và NanoCovax hiện nay đang sử dụng. Theo đó một loại virus vô hại, được biến đổi để cấy vào tế bào trong cơ thể, sau đó dùng cơ chế của tế bào để tạo ra một mảnh vô hại của virus gây ra bệnh Covid-19. Các tế bào đọc gen mà virus đang mang và bắt đầu sản xuất protein đột biến để sinh ra kháng thể.

Cách thứ ba là công nghệ mới nhất để sản xuất vaccine - mRNA (RNA thông tin) và được các hãng như Moderna và Pfizer-BioNtech sử dụng. Thay vì cấy virus đã chết như truyền thống, công nghệ này lấy một chuỗi RNA được bọc trong một giọt lipid để ngăn bị phân hủy và giúp xâm nhập vào bên trong tế bào. RNA là một phân tử nhỏ rất nhạy cảm dễ bị phân tách nhanh chóng nếu không được bảo vệ. Khi RNA xâm nhập vào sẽ dạy cho tế bào tạo ra protein tăng đột biến SARS-CoV-2 để kích thích phản ứng từ hệ thống miễn dịch.
Dỡ bỏ bản quyền - chìa khóa đánh bật Covid-19?
Thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới - giả thuyết mỗi người được tiêm 2 liều. Theo những nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Duke, các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao, chiếm 1/5 dân số thế giới, đã mua khoảng 6 tỷ liều; trong khi các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, chiếm 4/5 dân số, chỉ có khoảng 2,6 tỷ liều (bao gồm 1,1 tỷ liều thông qua COVAX, cơ chế mà nhà tài trợ quốc tế cam kết thông qua đó để tiêm chủng cho 1/5 dân số thế giới). Theo biện pháp này, các nhà nghiên cứu cho biết, những người thuộc nhóm thu nhập thấp nhất có thể mất 2 năm tới để được tiêm đủ 2 liều vaccine.
 Ảnh minh họa. 
Tình trạng này thúc đẩy một chiến dịch tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để các nhà sản xuất ở các nước nghèo có thể nhanh chóng tự sản xuất vaccine, do Ấn Độ và Nam Phi dẫn đầu. Tháng 10/2020, 2 nước đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạm rút một số quyền sở hữu trí tuệ đối với các công cụ và công nghệ y tế Covid-19 cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Đề xuất hiện nhận được sự ủng hộ của khoảng 100 quốc gia và một liên minh đa dạng, bao gồm cơ quan phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp quốc UNAIDS và tổ chức nhân quyền Amnesty International. Họ cho rằng việc miễn trừ sẽ cho phép các chính phủ và nhà sản xuất cùng chung tay vào tăng cường nguồn cung vaccine.

Trong khi đó, đề xuất này hiện vẫn vấp phải phản đối của Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh và hầu hết các công ty dược phẩm lớn. Họ cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là không cần thiết, thậm chí là không nên đối với vaccine Covid-19.
Jerome Kim - Tổng giám đốc Viện Vaccine quốc tế ở Seoul cho biết: “Không giống như một loại thuốc, bạn không thể chỉ (làm theo hướng dẫn) và cho rằng bạn đã có vaccine. Đây là một quá trình sinh học phức tạp có nhiều bước kiểm soát chất lượng, đặc biệt là với công nghệ RNA mới”.
Hơn nữa, đối với vaccine mRNA, hiện quyền sở hữu trí tuệ nằm rải rác giữa nhiều hãng. Do đó việc đàm phán với tất cả hãng trong chuỗi về quyền sở hữu trí tuệ có thể sẽ mất 1 năm. Thay vào đó, chuyên gia Kim đề xuất, các hãng dược lớn cấp phép quyền sở hữu trí tuệ của họ cho các bên thứ ba. Việc “chuyển giao công nghệ” như vậy sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất vì do nhiều công ty sản xuất được nhiều sản phẩm hơn.

Những hình thức chuyển giao công nghệ khác

WHO đang ủng hộ một chương trình “chuyển giao công nghệ phối hợp”, trong đó trường đại học và nhà sản xuất cấp phép vaccine cho các công ty khác thông qua một cơ chế toàn cầu do WHO điều phối, điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo nhân lực tại các công ty tiếp nhận và phối hợp đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
WHO khẳng định, cách tiếp cận này chặt chẽ và minh bạch hơn so với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ một lần. Theo một cách tiếp cận khác, Đại học Pennsylvania, có quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vaccine mRNA, đang hỗ trợ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok phát triển một cơ sở sản xuất vaccine. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ này, Weissman, chuyên viên dự án trên cho biết, nếu chỉ trông chờ vào viện trợ và nhập khẩu, sẽ phải mất 2 năm nữa để Thái Lan và các quốc gia có thu nhập thấp có đủ vaccine.

Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Peterson nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa quy trình sản xuất giữa các nhà máy và quốc gia. Trong khi vaccine Pfizer thành công ban đầu được sản xuất tại các nhà máy của chính công ty, các chi nhánh khác của hãng ở Mỹ, Đức, Bỉ và Anh đã đóng vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất quy mô lớn. Ngày nay, Pfizer có các chuỗi cung ứng riêng biệt ở Mỹ và châu Âu, với sự tham gia của nhiều công ty khác nhau. Điều này bao gồm một nhà máy ở Dublin, nơi sản xuất các nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho các nguồn cung cấp của Pfizer tại EU.
Sẽ có ý nghĩa và có khả năng cứu sống nhiều người nếu đầu tư vào năng lực sản xuất trước, xây dựng các kho dự trữ đầu vào trung gian được sử dụng trong sản xuất vaccine. Điều đó sẽ cho phép mở rộng quy mô sản xuất vaccine nhanh và rẻ hơn để ứng phó với bất kỳ đại dịch nào trong tương lai.