Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải cứu ngành mía đường: Cần có sân chơi công bằng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải kiểm soát chặt dòng đường giá rẻ được bảo hộ, trợ giá từ các nước tràn vào thị trường nội địa để bảo vệ ngành mía đường Việt Nam. Đó là nội dung được nhiều chuyên gia, DN quan tâm, chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/12.

Sản xuất đường tại Công ty KCP Việt Nam. Ảnh: Phương Anh
Khó chồng khó
Năm 2020, ngành mía đường Việt Nam chịu tác động kép bởi giá đường thế giới giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm sút vì dịch Covid-19. Đặc biệt, tác động lớn nhất là một lượng lớn đường nhập khẩu (chủ yếu từ Thái Lan) theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tràn vào thị trường Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng mạnh lên tới gần 900.000 tấn, lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ tới 87,6%.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nếu như trước đó, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì vụ sản xuất 2019 - 2020 chỉ còn 29 nhà máy mía. Niên vụ 2020 - 2021 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường khi sẽ có thêm nhà máy đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu. “Các nhà máy mía đường giờ chỉ có hai sự lựa chọn. Một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động. Hai là chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động, song sự giảm sút doanh thu, lợi nhuận trong báo cáo tài chính sẽ dẫn đến phản ứng tất nhiên từ các ngân hàng là thu hẹp hạn mức tín dụng, thắt chặt điều kiện giải ngân” - Tổng Thư ký VSSA Nguyễn Văn Lộc phân tích.

Chỉ ra sức ép lớn đối với nông dân trồng mía, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho rằng, diện tích trồng mía đang có xu hướng thu hẹp, số hộ nông dân và hợp tác xã trồng mía ngày càng giảm. Giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống cộng với tình trạng đầu ra bấp bênh đã khiến ngày càng nhiều vùng bỏ cây mía, chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

Giải cứu cách nào?

Nhiều chuyên gia nhận định, để bảo vệ DN sản xuất mía đường trong nước, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch, góp phần phát triển bền vững ngành mía đường, các bộ ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Cùng với đó, cần tạo một “sân chơi” công bằng cho DN trong nước khi tham gia hội nhập. Bởi, với ngành mía đường, nhiều nước trên thế giới vẫn có những chính sách bảo hộ ngầm nhằm duy trì giá mía hợp lý.

Mới đây, Bộ Công Thương đã điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bộ cũng tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng làm từ ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. “Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài" - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng Trần Ngọc Hiếu, Chính phủ và các bộ ngành thực hiện quyết liệt về vấn đề buôn lậu, hàng giả và chống gian lận thương mại. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến nông để hỗ trợ cho cho người dân trồng mía. Các ngân hàng giải ngân cho DN vay vốn bằng cách tín chấp một phần tài sản và áp dụng lãi suất ưu đãi với các khoản vay thu mua mía cho nông dân. Ở góc độ khác, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La Đặng Việt Anh cho rằng, các bộ ngành cần tạo điều kiện cho người nông dân được bán mía với giá tương đồng Thái Lan, Indonesia và Philippines là những quốc gia cùng tham gia ATIGA (khoảng 1.200.000 đồng/tấn). Với mức giá này, ngành mía đường Việt Nam sẽ phục hồi sớm trong những năm tới.

Cùng với nỗ lực tái cơ cấu của ngành mía đường, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết nông dân và DN chế biến; xem xét phê duyệt giá điện được sản xuất từ bã mía một cách phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh