Đề xuất thí điểm 1.000 xe đạp công cộng tại Hà Nội

Giải pháp giảm phương tiện cá nhân

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT TP Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn 6 quận nội thành.

Dự kiến chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Nhiều người kỳ vọng, nếu được triển khai tốt, mô hình này sẽ góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân và thay đổi văn hóa, thói quen đi lại của người dân.

Cần thiết với đô thị đông dân

Theo Sở GTVT TP Hà Nội, thời gian qua, dự án xe đạp đô thị cộng cộng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, TP trên cả nước đã được người dân, du khách sử dụng với đăng ký mới đạt 218.157 tài khoản, trung bình 944 tài khoản/ngày (tính đến 31/7/2022). Khách sử dụng lại dịch vụ từ hai chuyến trở lên là 58.902 khách hàng, chiếm 27%. Trung bình 1.175 chuyến/ngày với thời gian sử dụng 246.094 giờ - trung bình 54 phút/chuyến. Hành khách sử dụng chủ yếu ở độ tuổi từ 18 - 40, chiếm 85% tổng số khách.

Sở GTVT TP Hà Nội cũng vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng. Trong thời gian thí điểm không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ.

Hà Nội đề xuất thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn 6 quận nội thành. Ảnh: Hà Mai
Hà Nội đề xuất thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn 6 quận nội thành. Ảnh: Hà Mai

Theo đề xuất, quy mô triển khai giai đoạn 1 với 1.000 xe (50% là xe đạp điện), 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng 30,255 tỷ đồng (bao gồm chi phí đầu tư xe đạp, khóa, simdata 17,3 tỷ đồng; chi phí vận hành mua sắm trang bị công cụ, dụng cụ, xe sửa chữa, văn phòng 3,55 tỷ đồng; phần mềm máy chủ server 1,12 tỷ đồng; đầu tư trạm xe, thi công bảo dưỡng 1,74 tỷ đồng; nhân công vận hành 6,54 tỷ đồng).

Năm đầu tiên, Công ty CP Tập đoàn Trí Nam xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng. Giai đoạn tiếp, theo căn cứ vào số liệu vận hành thực tế, Công ty sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kết quả triển khai làm căn cứ báo cáo, đề xuất UBND TP về nội dung này.

Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh, mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng. Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Trước đó, theo đề án của Sở GTVT Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2022, TP sẽ triển khai dự án “Xe đạp đô thị” nhằm mục tiêu đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng, khu liên cơ quan và phục vụ đi lại. Đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Trên thực tế, các nước phát triển đã triển khai dịch vụ này từ lâu và duy trì rất tốt. Thực tế cho thấy, mô hình xe đạp công cộng rất thành công và ngày càng trở nên cần thiết, đặc biệt là với những đô thị lớn, hiện đại như Hà Nội. Ở Việt Nam, TP Hồ Chí Minh cũng đã có xe đạp công cộng và đang được người dân ủng hộ rất nhiệt tình”.

Theo thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, để loại hình này phát triển, tiêu chí đầu tiên khi đặt trạm là phải có kết nối với loại phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt, tàu điện, gần các khu dân cư đông người, khu mua sắm, trường học, bệnh viện… Khi đó, người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, an toàn thuận lợi nhất khi thuê và trả xe.

Kết nối các di chuyển ngắn

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Đào Việt Long, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, bến xe, nhà ga, tàu điện. Về đề xuất xin được “miễn phí sử dụng tạm thời hè phố trong giai đoạn đầu tư hay trong thời gian một năm thí điểm”, ông Đào Việt Long cho hay: “Quan điểm của Sở sẽ tạo điều kiện ban đầu cho Công ty CP Tập đoàn Trí Nam”.

 

Địa bàn dự kiến thí điểm giai đoạn đầu gồm 6 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân. Trong đó, quận Ba Đình dự kiến có 340 xe đặt tại tuyến Kim Mã, Trần Huy Liệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Quán Thánh. Quận Tây Hồ có 242 xe tại các tuyến Lạc Long Quân, Thanh Niên, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Trích Sài. Quận Đống Đa có 100 xe tại Giảng Võ, Hào Nam, Hoàng Cầu, Thái Hà, Láng. Quận Hoàn Kiếm có 280 xe tại Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... Gần 300 xe còn lại được đặt tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.

Việc Hà Nội triển khai sau TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… sẽ có thuận lợi hơn khi có kết quả đánh giá làm cơ sở nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh. Căn cứ kết quả, hiệu quả kinh doanh dịch vụ của Công ty Trí Nam, đồng thời tổng hợp ý kiến của các sở, ban, ngành, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục báo cáo UBND TP xem xét việc thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí hay không thu phí vỉa hè.

Được biết, đã từng có đề xuất không thu phí trong thời gian thí điểm nhưng Công ty Trí Nam đã khẳng định, không thể thực hiện được do việc triển khai xây dựng dịch vụ xe đạp đô thị dựa trên nguồn lực từ vốn chủ sở hữu của DN, không có sự tài trợ của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Theo DN này, với phương án vé, quy mô và số lượng hành khách tương tự như TP Hồ Chí Minh, cần ít nhất 7 năm mới có thể thu hồi vốn.

Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT TP Hà Nội cho hay, đã xem xét thực tế việc triển khai dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Quy Nhơn. Các TP này đã triển khai này đều thống nhất cho phép Công ty Trí Nam triển khai dịch vụ xe đạp đô thị có thu phí sử dụng của người dân trên địa bàn. Đến nay, Công ty Trí Nam chưa nhận được phản ánh, thắc mắc về việc thu phí của người dân trên các địa bàn đã triển khai.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mô hình văn minh được triển khai ở nhiều nước nhưng với điều kiện Hà Nội, ngoài đồng bộ về hệ thống quản lý cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người sử dụng tham gia giao thông có ý thức sử dụng văn minh.

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, việc triển khai dịch vụ xe đạp công cộng cũng có không ít khó khăn, cần được tính toán kỹ lưỡng. “Ví dụ như, về hạ tầng giao thông, Hà Nội đang còn nhiều hạn chế, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp, nên trước mắt chỉ có thể triển khai ở các khu vực thuận lợi cho xe đạp lưu thông” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

 

"Việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách, điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và TP trong việc thu hút đầu tư xã hội hóa trong phát triển giao thông công cộng." - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Đào Việt Long