Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa sửa đổi Luật Đấu thầu,

Giải pháp nào hỗ trợ bệnh viện trước tình trạng thiếu thuốc?

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội qua 3/4 chặng đường của năm 2022 và giải đáp, làm rõ các vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Tham dự họp báo có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Công an và Ngân hàng Nhà nước.

Giải pháp hỗ trợ cho các bệnh viện về tình trạng thiếu thuốc

PV: Xin hỏi đại diện Bộ Y tế, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, tuy nhiên tình trạng này vẫn xảy ra ở nhiều nơi, xin Bộ cho biết giải pháp hỗ trợ cho các bệnh viện về tình trạng thiếu thuốc này, để gỡ cho các bệnh viện trong khi chưa sửa đổi Luật Đấu thầu?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Thứ nhất, đối với tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện, hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực cũng như hiệu quả của công tác mua sắm, đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm. Đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng như danh mục thuốc đàm phán giá.

Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế công tác quản lý trang thiết bị y tế và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Dược, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết điều trị các bệnh hiếm gặp, để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc, bảo đảm đủ thuốc cho quá trình điều trị.

Tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, có tác dụng tương đương để điều trị. Ngoài ra trong thời gian qua, Bộ cũng đã phối hợp để tăng cường kiểm tra, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để thúc đẩy mua sắm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, qua đó hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt hơn công tác mua sắm, đấu thầu.

PV : Xin hỏi đại diện Bộ Công an cho biết tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng  như vụ Việt Á, giải cứu, AIC thế nào. Trong vụ Việt Á, đã xác định trường hợp cựu Bí thư Hải Dương liên quan đến trục lợi, tham nhũng không? Việc các bị can trong vụ giải cứu đã khởi tố nhận hối lộ đã nhận hối lộ bao nhiêu tiền?

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Không bỏ lọt tội phạm, không làm oan cho người vô tội, xử lý một vụ để cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Không bỏ lọt tội phạm, không làm oan cho người vô tội, xử lý một vụ để cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Công an thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Bộ Công an đang quyết liệt, tập trung lực lượng điều tra theo đúng tiến độ, theo  phương châm thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan cho người vô tội, xử lý một vụ để cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực, làm không ngừng nghỉ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó.

Đến nay vụ Việt Á đã khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn 28 bị can, vụ Cục lãnh sự 21 bị can, Tân Hoàng Minh 7 bị can, Bộ Công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra trong thời gian tới.

Điểm đặc biệt, đây là các vụ án kinh tế, nên trong quá trình tố tụng, Bộ Công an rất chú trọng điều tra xác minh, làm rõ nguồn tài chính, nguồn tiền đi, đến, các tài sản của các đối tượng để  khi khởi tố vụ án, bị can, số tài sản, nguồn tiền được phong toả, kê biên để bảo đảm thu hồi tiền cho người dân và nhà nước.

Ví dụ, trong vụ Tân Hoàng Minh, số tài sản được kê biên phong toả là 4.000 tỷ đồng, vụ việc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tài sản thiệt hại 150 tỷ đồng, nhưng số tài sản các đối tượng bị kê biên lên tới 1.150 tỷ đồng, tài sản nhà nước được bảo đảm.

Đó là điểm mới trong các vụ án kinh tế, làm sao kiểm soát nguồn tiền, tài sản của các bị can bảo đảm người bị hại, người dân, nhà nước không bị ảnh hưởng, thiệt hại.