Tai nạn giao thông vẫn gây ra thiệt hại to lớn
Sáng 31/5, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp trọng tâm nâng cao an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham gia của Văn phòng Ủy Ban ATGT Quốc gia, Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công An cùng đại diện Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và đại diện của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và cuộc sống bình an cho tất cả mọi người dân. Trong nỗ lực hướng đến một tương lai an toàn hơn, việc tìm giải pháp đối với các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu là vô cùng cần thiết.
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, là một trong số ít các nước trên thế giới kéo giảm TNGT xuống còn 1/2 trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020. Kết quả này được cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, TNGT đã gây ra những thiệt hại rất lớn ở nước ta. Ông Nguyễn Hữu Minh cho biết, để đạt được mục tiêu toàn cầu giảm tỉ lệ thương vong và tử vong do TNGT xuống 50%, phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động hợp tác và thay đổi hành vi tham gia giao thông. Hội thảo nhấn mạnh năm yếu tố hành vi nguy cơ cao gây mất ATGT gồm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; vi phạm tốc độ quy định; không sử dụng mũ bảo hiểm; dây an toàn và thiết bị an toàn cho trẻ em.
Chung tay tìm giải pháp
Hội thảo “Các giải pháp trọng tâm nâng cao TNGT đường bộ tại Việt Nam” được tổ chức nhằm mục đích trở thành một diễn đàn để các chuyên gia, diễn giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý... cùng nhau bàn thảo, hiến kế để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất, giúp giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra.
Trong đó, tập trung vào 5 yếu tố quan trọng liên quan đến hành vi trực tiếp của người tham gia giao thông là quản lý sử dụng rượu bia khi lái xe; quản lý về tốc độ; đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe máy; thắt dây an toàn trên xe ô tô và thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
Cụ thể, hội thảo khuyến nghị, đối với sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự. Cần lưu trữ hồ sơ vi phạm, quản lý chặt chẽ tái phạm và xử phạt lũy tiến đối với các hành vi tái phạm về nồng độ cồn.
Đối với quản lý tốc độ, cần quy định thống nhất tốc độ khu vực đô thị và khu vực đông dân cư xuống 50km/giờ với tất cả loại đường. Tại khu vực có tình trạng giao thông phức tạp như đi qua trường học, giảm tốc độ giới hạn xuống 30km/giờ.
Đối với yếu tố mũ bảo hiểm, hội thảo cho rằng cần duy trì quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn với tất cả người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em dưới 6 tuổi trên mô tô, xe máy.
Đối với vấn đề dây an toàn, hội thảo khuyến nghị, tất cả ghế trên xe ô tô đều phải có dây an toàn. Yêu cầu tất cả người ngồi trên xe ô tô (gồm cả lái xe và hành khách cả ghế trước và ghế sau) đều phải thắt dây an toàn đúng cách.
Đối với thiết bị an toàn cho trẻ em, hội thảo đưa ra khuyến nghị, trẻ em có chiều cao dưới 135cm và dưới 12 tuổi được chở trên ô tô cá nhân bắt buộc phải được bảo vệ bằng các thiết bị an toàn phù hợp với chiều cao, độ tuổi (gồm các thiết bị như ghế cho trẻ sơ sinh, ghế cho trẻ nhỏ, thiết bị nâng) và không được phép ngồi hàng ghế phía trên, bên cạnh lái xe.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh 5 yếu tố quan trọng liên quan đến hành vi trực tiếp của người tham gia giao thông với nhiều thông tin, số liệu nghiên cứu, phân tích cụ thể, chính xác đồng thời đưa ra những khuyến nghị, giải pháp thiết thực. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.