Giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội: Cần thực sự quyết liệt hơn

Ngọc Hải/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã đạt được những bước tiến rất dài, tuy nhiên vẫn còn đó những vướng mắc khó khăn, đặc biệt là khâu GPMB. Nếu không có những biện pháp thực sự quyết liệt, dự án nói riêng và Hà Nội nói chung sẽ phải gánh chịu những hệ luỵ khôn lường.

Đình trệ thi công

Dự án tuyến ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được phê duyệt vào tháng 4/2009, nhưng phải đợi đến tháng 9/2010 mới được khởi công; năm 2013 tiếp tục được điều chỉnh. Giai đoạn từ năm 2009 - 2016, dự án gần như giậm chân tại chỗ. Từ đó tới nay, sau khi nhân sự Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội - đại diện chủ đầu tư được thay đổi, dự án đã có những bước tiến rất dài, những điều chỉnh chính xác nhằm đẩy nhanh tiến độ. Điển hình là tách dự án thành hai giai đoạn, ưu tiên đưa đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy vào khai thác, song song với đó là thi công đoạn ngầm từ ga S9 - S12.
 Dự án ĐSĐT tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã có những bước tiến dài.

Tuy nhiên, với một “đại” dự án mới lần đầu được thí điểm triển khai, Hà Nội vẫn gặp quá nhiều vướng mắc. Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, hiện vướng mắc GPMB chủ yếu phát sinh tại 4 ga ngầm S9 (Kim Mã), S10 (Cát Linh), S11 (Quốc Tử Giám), S12 (Trần Hưng Đạo). Trong đó, ga ngầm S12 đã được UBND quận Hoàn Kiếm bàn giao mặt bằng để bắt đầu quây rào thi công nửa phía Bắc từ tháng 6/2019. Nhưng mặt bằng bàn giao lại chưa “sạch”. Trong quá trình đào thăm dò Nhà thầu liên tục phát hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chôn ngầm dọc vỉa hè, do đó đến tháng 9/2019 mặt bằng mới chính thức được bàn giao. Đồng thời phải di dời rất nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật dưới mặt đất như cấp thoát nước, viễn thông, điện..., nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các cơ quan và người dân sinh sống xung quanh. Do mặt bằng chật hẹp và vẫn phải đảm bảo giao thông trên đường Trần Hưng Đạo nên theo biện pháp thi công được duyệt, ga ngầm S12 được thi công lần lượt theo từng nửa nhà ga.

Ngoài ra, hiện còn vướng mắc GPMB tại ga S11, cụ thể là số nhà 23 Quốc Tử Giám và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến Hầm chưa được di dời; khung chính sách đền bù, hỗ trợ chưa được phê duyệt.
 Đoạn ngầm từ ga S9 - S12 đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do GPMB.

Từ tháng 7/2021, Nhà thầu liên danh Hyundai - Ghella lấy lý do này đã tạm dừng thi công trên toàn bộ gói thầu tuyến ngầm. Đại diện nhà thầu chia sẻ, việc dừng thi công toàn bộ cũng là một biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên. Bởi trong khi chờ đợi mặt bằng, nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc về công trường mà không thi công được hay thi công từng phần, chủ đầu tư vẫn phải trả chi phí. Nếu tạm dừng thi công, cả hai bên sẽ bớt đi đáng kể chi phí phát sinh do tắc mặt bằng.

Tháo gỡ từng chi tiết

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội chia sẻ: “Việc giải quyết các vướng mắc về GPMB đóng vai trò quyết định nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, rất cần sự chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên, thiết thực của UBND TP, Sở GTVT cùng các sở ngành liên quan, và trên hết là sự chia sẻ, ủng hộ của Nhân dân Hà Nội”.

Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua. Trước đó, lãnh đạo UBND TP cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với chủ đầu tư, các sở, ngành, nhà tài trợ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Giao Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị trong tổ chức thi công, giải quyết các tồn tại, đàm phán với các nhà thấu để báo cáo UBND TP về chi phí bổ sung cho nhà thầu và đưa nhà thầu trở lại thi công.
  Khu Depot của Dự án đang được nỗ lực hoàn thành.

Để tập trung, thống nhất chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, UBND TP đã có Quyết định số 3929/QĐ-UBND ngày 13/8/2021, thành lập Tổ Công tác liên ngành để tăng cường phối hợp, xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp tháo gỡ khó khăn phải quyết liệt, rõ ràng đến từng chi tiết. TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân chia sẻ, Hà Nội mới lần đầu làm ĐSĐT, thuê nhà thầu nước ngoài, nhiều chi tiết hợp đồng áp dụng theo luật quốc tế mà ở Việt Nam chưa có tiền lệ, chưa có quy định rõ ràng. Nếu không có quyết tâm sẽ không thể tháo gỡ được khó khăn.

Vướng mắc GPMB là vấn đề nhức nhối của nhiều dự án lớn. Với ĐSĐT nó còn gây ra những hệ luỵ phức tạp hơn. “Nhà thầu quốc tế, luật quốc tế, sai là phải chịu phạt, mà phạt rất nặng, hàng trăm tỷ đồng. Không chịu phạt, không thoả thuận được là họ dừng thi công. Vướng mắc GPMB, bùng nhùng pháp lý có thể khiến Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội “sa lầy” hàng thập kỷ như tuyến Cát Linh - Hà Đông” - TS Đặng Minh Tân nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội cũng như Ban Quản lý ĐSĐT đang rất nỗ lực giải quyết những vấn đề phát sinh tại dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Nhưng những nỗ lực đó chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Nhiều quy định, thủ tục, cơ chế còn cứng nhắc, chậm điều chỉnh, trở thành rào cản đối với dự án.

Từ tháng 10/2020 - tháng 9/2021, 10 đoàn tàu tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã được đưa về nước, chuẩn bị cho vận hành khai thác đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đoạn tuyến trên cao dự kiến phải sang năm 2022 mới có thể đưa vào hoạt động.