Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc: Gỡ nút thắt trong đấu thầu

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi thiếu thuốc, thiếu vật tư, không chỉ người bệnh bị ảnh hưởng quyền lợi, mà BV, nhân viên y tế cũng... đau đầu!

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, hóa chất cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) khiến công tác khám chữa bệnh (KCB) “gặp vấn đề”, đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân bức xúc như “ngồi trên đống lửa”. Trong khi đó, DN kêu khó cung ứng thuốc, vật tư vào các bệnh viện (BV), cơ sở y tế. Để gỡ khó cho DN và ngành Y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuẩn bị thuốc tiêm cho bệnh nhân. Ảnh Công Hùng
Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuẩn bị thuốc tiêm cho bệnh nhân. Ảnh Công Hùng

Thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế BHYT vẫn kéo dài ở hầu khắp các BV trên cả nước. Theo Bộ Y tế, có 28/34 sở y tế và 12/21 BV tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc; 26/34 sở y tế và 15/21 BV tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới người bệnh, nhất là người bệnh nghèo tham gia BHYT.

Đề cập đến vấn đề này, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, việc thiếu thuốc, vật tư y tế ở các BV đang ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh. Để bệnh nhân tự mua thuốc, vật tư y tế sẽ xảy ra nhiều hệ lụy như chất lượng thuốc, vật tư y tế ở ngoài BV liệu có được bảo đảm. Trong khi, giá cả mỗi nhà thuốc bán một giá. Những điều này ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh.

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc BV E thẳng thắn chia sẻ, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế hiện nay gây bức xúc dư luận. Việc thiếu thuốc, vật tư không chỉ người bệnh thiệt thòi, tốn kém tiền mua thuốc, vật tư ngoài mà BV cũng thất thoát. Bệnh nhân không mua thuốc được ở BV trong khi đó BV hoạt động tự chủ phải tự chi từ tiền điện, nước. Mỗi bệnh nhân chi trả ra bên ngoài vài trăm nghìn, cả nghìn bệnh nhân cũng là khoản tiền lớn. Ngoài ra, khi thiếu thuốc, thiếu vật tư, không chỉ người bệnh bị ảnh hưởng quyền lợi, mà BV, nhân viên y tế cũng... đau đầu!

Với BV Bạch Mai và BV Tai Mũi Họng Trung ương là 2 BV tuyến cuối và chuyên khoa vì vậy nhu cầu sử dụng thuốc và trang thiết bị y tế, vật tư rất lớn. Vì thiếu thuốc, BV Tai Mũi Họng Trung ương phải gửi cả bệnh nhân sang cơ sở y tế khác để thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật. Tại BV Bạch Mai, số bệnh nhân tăng gấp 5 lần, rất đột biến, đã không chỉ gây ra quá tải BV mà còn xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất... Hiện 2 đơn vị này vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu.

Báo cáo của BV Bạch Mai cho thấy, 18 công ty trúng thầu thuốc, vật tư chưa cung ứng đủ theo đơn đặt hàng của BV. Trong đó, một số thuốc thiết yếu thiếu, đặc biệt, một số gói thầu hóa chất, vật tư y tế dùng trong tiêu hóa và can thiệp tim mạch trượt thầu với tỷ lệ từ 23 - 70%. Điều này đã gây ảnh hưởng tới công tác KCB của BV.

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, đại diện 25 DN cung ứng thuốc và 33 đơn vị y tế công lập đã nêu những khó khăn về công tác đấu thầu, cung ứng thuốc, thanh toán công nợ thuốc. Đơn cử như, nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất gây khó khăn cho các nhà thầu. Trong khi, bất cập trong quản lý giá thuốc, xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu khiến giá thuốc bị đóng khung qua nhiều năm.

Ngoài ra, tình hình biến động về sử dụng thuốc, khó dự đoán cho cả đơn vị y tế và DN, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, các BV chưa xác định rõ tiến độ mua sắm thuốc trong năm, trong khi đó, công tác dự trù sản xuất thuốc phải cần có lộ trình thời gian để đáp ứng.

Làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, do cơ chế về mặt pháp lý đang còn tồn tại bất cập, quy định của pháp luật về đấu thầu đang thiếu. Nhiều DN tham gia vào cung ứng mời thầu không mặn mà vì giá thuốc tăng cao nên không có lợi nhuận… Tham gia đấu thầu, đàm phán thuốc quốc gia có hạn chế đã ảnh hưởng đến nguồn cung…

“Hiện nay, việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị tại các cơ sở y tế còn vướng nhiều mặt do các cấp tổ chức đấu thầu hoạt động khác nhau. 90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thiếu thuốc, vật tư y tế” - TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho hay.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng. Bên cạnh đó, một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… đã gây ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài về việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Trong đó, giải pháp ngắn hạn, trước mắt, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Về dài hạn, Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật KCB, Luật BHYT, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược...

Liên quan tới vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể với các cơ quan chức năng, trong đó yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế... Trăn trở trước những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa khó bảo đảm chất lượng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, mới đây, người đứng đầu Chính phủ đã nhắc lại câu chuyện “dao mổ y tế rạch 3 lần mới qua da” do bất cập trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế.

Đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng cũng tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, năng động để mua thiết bị y tế hợp lý nhất chứ không phải mua thiết bị rẻ nhất.

Đặc biệt, tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, TP, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, “nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên”. Phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được; phải chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan trong vấn đề này.

“Các quy định không thể bao phủ hết góc cạnh cuộc sống, trong khi thực tế có những diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ, nên các bộ, ngành, địa phương phải bám sát thực tiễn, cập nhật tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tránh tình trạng phản ứng không kịp làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Sáng 7/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn... Đối với quy định về chỉ định thầu, Dự Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu.

Dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.