Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thời gian qua, tại các BV đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế. Nguyên nhân của vấn đề này bao gồm cả khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân chủ quan, quy định mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có rất nhiều văn bản pháp luật chi phối, từ Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Tài sản công, Luật Dược và các nghị định, thông tư hướng dẫn, nên có những vướng mắc liên quan đến thể chế không thể sửa đổi được ngay, vì vậy thời gian bị kéo dài.

“Một nguyên nhân nữa là trong quá trình thực hiện vừa qua, đã có rất nhiều sai phạm liên quan đến lĩnh vực mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Chính vì vậy, chúng tôi phải rà soát, đánh giá lại việc triển khai, để làm sao thực hiện đúng quy định, mua sắm được trang thiết bị, vật tư y tế mà không vi phạm pháp luật" - Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Trung thâm Y tế huyện Hoài Đức. Ảnh: Minh Châu
Thăm khám cho bệnh nhân tại Trung thâm Y tế huyện Hoài Đức. Ảnh: Minh Châu

Ngoài ra, thời gian qua, một số trường hợp đã gây tâm lý lo lắng cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, đặc biệt, các y bác sĩ không có chuyên môn về tài chính khi phải thực hiện nhiệm vụ này. Do vậy, trong quá trình thực hiện cũng còn ách tắc chậm trễ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện, một số vấn đề đã được giải quyết. Để giải quyết việc thiếu thuốc điều trị, việc ban hành Nghị quyết 80 của Quốc hội đã giải quyết được căn cơ, vấn đề cung ứng thuốc trong các cơ sở điều trị; cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024.

Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80. Trước mắt, Cục Quản lý dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Về vấn đề trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, sẽ giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế…

Trong năm 2023, ngành Y tế ưu tiên giải quyết ngay vướng mắc về vấn đề máy móc, để đảm bảo đáp ứng cho người dân trong quá trình xét nghiệm, điều trị. Ngành cũng tập trung các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các BV trên toàn quốc. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc…

Theo TS Bùi Sĩ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, để giải quyết những vấn đề tồn tại của ngành y hiện nay, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hiện động thái của Chính phủ, Bộ Y tế rất tích cực nhưng mới trên văn bản. Đến nay vẫn chưa có các Nghị định, văn bản điều chỉnh tiền lương cho các thầy thuốc, cán bộ, công chức trong ngành y tế là quá chậm.

Trước phản ánh của các BV về khó khăn trong thực hiện đấu thầu một số hóa chất, vật tư tiêu hao chỉ có 1 nhà cung cấp do theo quy định phải có báo giá của 3 nhà cung cấp để làm căn cứ xác định giá đấu thầu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo, đại diện các Bộ Tài chính, KH&ĐT trao đổi, đề xuất phương án tháo gỡ, cho phép đấu thầu những loại hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chỉ có 1 nhà cung cấp. “Phải giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ngay trong tháng 2, đầu tháng 3/2023” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đưa vào Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 144/NQ-CP về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi); thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với máy móc, trang thiết bị xã hội hóa trong bệnh viện công lập; phương thức lập gói thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế kèm theo cung cấp máy móc thực hiện xét nghiệm…

Đặc biệt, để giải quyết khó khăn, bất cập trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/2/2023 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đó, Công điện đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành chức năng khắc phục dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ KCB cho Nhân dân trong tháng 3/2023, tránh đùn đẩy, kéo dài không dám chịu trách nhiệm. Bộ Y tế cần rà soát việc tiếp nhận máy, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng BV để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Bộ KH&ĐT hướng dẫn nhà thầu cung cấp máy cho BV sau khi trúng thầu.

Thủ tướng chỉ thị các cơ sở KCB tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và tổ chức các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động KCB; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức mua sắm, đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần