Thực hiện chỉ đạo hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tạm thời dừng tiếp công dân tại trụ sở theo tinh thần Công điện số 15 và Chỉ thị số 17 của TP, từ sáng 27/7, UBND quận Hai Bà Trưng đã dán thông báo ngay tại Bộ phận một cửa (BPMC) về tạm dừng tiếp công dân trực tiếp, các TTHC trực tuyến (chủ yếu về tư pháp) thì nộp qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Với những hồ sơ công dân đã nộp từ trước, đến ngày có kết quả thì liên hệ công chức BPMC để được thông báo cách thức trả; nếu là TTHC có tính cấp thiết, công dân không gửi trực tuyến được có thể liên hệ công chức để sắp xếp phương án nhận và giải quyết hồ sơ đảm bảo giãn cách. “Hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên số một, song với TTHC cấp thiết như khai tử có yếu tố nước ngoài, khám chữa bệnh… thì công chức quận vẫn giải quyết theo cách thức đảm bảo giãn cách, kết hợp tuyên truyền về phòng, chống dịch cho người dân” - Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng Trần Tuấn Anh cho hay.
Cụ thể hơn, công chức Mạc Thu Trang phụ trách lĩnh vực LĐTB&XH tại BPMC quận Hai Bà Trưng giải thích, khi công dân chưa biết thông báo mới mà vẫn đến trụ sở BPMC thì gọi điện cho công chức (theo số điện thoại dán bên ngoài). Nếu không cần gấp, công chức sẽ đưa mẫu đơn cho công dân về khai rồi đến nộp sau, nhận kết quả qua bưu chính công ích sau 2 - 3 ngày; nếu công dân cần ngay thì đặt hồ sơ hoặc phiếu hẹn trả kết quả trên bàn, bảo đảm giãn cách, công chức ra nhận hồ sơ hoặc đặt kết quả tại bàn để công dân ký vào sổ rồi nhận. Hiện, mỗi ngày BPMC chỉ nhận khoảng vài hồ sơ lĩnh vực tư pháp/đăng ký kinh doanh.
Tại huyện Thanh Trì, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Chử Mạnh Thăng cho biết: Ngay khi có Chỉ thị 17, huyện đã chuyển sang nhận, trả kết quả toàn bộ hồ sơ hành chính theo hình thức DVCTT và bưu chính công ích. Khi công dân chuyển hồ sơ đến, công chức BPMC huyện liên hệ bưu chính công ích để người dân nhận kết quả tại nhà. Cùng đó, BPMC hàng ngày luôn bố trí 1 công chức trực tại chỗ, 1 công chức làm việc tại nhà nhưng vẫn mở máy tính làm việc.
Cũng theo UBND huyện Thanh Trì, thông tin về hệ thống tiếp nhận, phần mềm dùng chung 3 cấp của TP, phần mềm cung cấp giải quyết TTHC… đã được thông báo cho người dân. Từ 24 - 27/7 tại UBND huyện đã tiếp nhận, giải quyết 6 hồ sơ trực tuyến giải quyết TTHC, cho thấy thông suốt. Cán bộ trực ngày nào thì xử lý hồ sơ ngày đó, chuyển đến bộ phận chuyên môn.
Xây dựng phương án trụ sở dự phòngVới tổng số 14 CBCC, UBND phường Kim Mã, quận Ba Đình cũng bố trí 50% làm việc tại nhà, 50% tại trụ sở. Đặc biệt, UBND phường đã xây dựng phương án trụ sở dự phòng để không may trụ sở chính có F0 đến giao dịch thì sẽ chuyển sang làm việc tại đó. Thực hiện chỉ đạo của TP và quận, phường đã thông báo không tiếp công dân tại trụ sở, TTHC chưa cần thiết thì để giãn cách, người dân có thể để chậm lại, không đến trụ sở; thủ tục tư pháp nộp online qua DVCTT và công chức hẹn ngày trả, thông qua bưu chính công ích chuyển đến tận nhà. Riêng thủ tục khai tử, công dân nộp hồ sơ online và được trả kết quả ngay. “4 ngày qua, giải quyết công việc cho người dân vẫn tốt. Lượng hồ sơ không nhiều, trung bình chỉ trên dưới 20 hồ sơ/ngày” - Chủ tịch UBND phường Kim Mã Nguyễn Thị Vượng cho hay.
Không chỉ khối quận, huyện, tại các sở, ngành cũng chủ động phương án đảm bảo làm việc trong điều kiện phòng chống dịch mà vẫn giải quyết kịp thời cho người dân, DN. Điển hình, Sở Tài chính với hơn 212 CBCC và lao động hợp đồng, đã phân công hơn 30 người ứng trực tại trụ sở hàng ngày; còn lại luân phiên làm việc tại trụ sở và online (theo nhịp độ công việc và thực tế phát sinh). Riêng tại BPMC hàng ngày luôn có Trưởng BPMC và 1 công chức trực. “Lượng hồ sơ giao dịch trực tiếp tại Sở còn rất ít, chỉ chủ yếu là công văn đến. Công việc từ khi giãn cách xã hội đến nay không có vướng mắc” - Phó Chánh Văn phòng Sở Tài chính Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.