Đánh vào “kinh tế”
Các khung phí áp dụng vào hoạt động giao thông được nhiều nước chọn như một trong những phương thức hữu hiệu để cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Chính phủ Singapore thu 3 loại phí gồm: phí sử dụng đường bộ, phí hạn chế lưu hành phương tiện cá nhân và phí tắc nghẽn giao thông. Bên cạnh đó, để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, Singapore áp dụng hình thức cấp COE (Giấy chứng nhận xe được phép lưu hành) và VQS (Hệ thống hạn ngạch xe).
Ngoài ra, Singapore sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP) để kiểm soát lưu lượng đi lại giờ cao điểm, đặc biệt ở các khu trung tâm. Đối với những ô tô quá 10 năm hoạt động sẽ chịu một mức thuế đường bộ cao hơn và tăng theo cấp số kể từ năm thứ 10 trở đi.
Theo đó, xe trên 10 năm tuổi sẽ phải trả 110% mức thuế, xe trên 11 năm tuổi sẽ phải trả 120% mức thuế và mức cao nhất là 150% khi xe trên 14 năm tuổi. Quốc gia Đông Nam Á này cũng không ngại đánh phí ô tô lên đến 100.000 đô la Singapore đối với những ai muốn sở hữu siêu xe nhằm kiểm soát lưu lượng xe tham gia giao thông trên đường.
Trong khi đó, tại các đô thị lớn ở Mỹ như New York, Washington DC hay Boston, vấn đề giao thông luôn nhức nhối. Nhằm giải quyết tình trạng này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép TP New York thực hiện thu phí cầu đường (phí ùn tắc) vào năm 2024.
Theo đó, tài xế đi vào khu vực nội thành đông đúc sẽ phải chịu thêm khoản phí 23 USD trong giờ cao điểm và 7 USD trong các khung giờ khác. Số tiền thu được sẽ dùng để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng phát triển giao thông công cộng.
Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng trong giảm ùn tắc giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở New York và cả nước Mỹ.
Theo cơ quan Giao thông vận tải đô thị New York (MTA), kế hoạch thu phí sẽ giúp giảm khoảng 20% lượng phương tiện cá nhân đi vào trung tâm mỗi ngày, đồng thời tăng lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng.
Còn tại Stockholm (Thụy Điển) cũng áp dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử đối với các ô tô và xe máy đi vào TP vào 6 giờ 30 đến 18 giờ 30 các ngày trong tuần, ngoại trừ xe buýt, taxi, xe cứu thương, xe đi ra từ đảo Lidingo và ô tô thân thiện với môi trường.
Giảm lưu lượng phương tiện trong giờ cao điểm
Một số khu vực thường xuyên tắc đường trên thế giới như Thủ đô Sao Paulo, Brazil, Colombia và Philippines, áp dụng giải pháp cấm xe theo biển số. Dựa vào biển số xe, chính phủ sẽ quy định ngày tương ứng mà các phương tiện bị cấm lưu thông trong khung giờ cao điểm.
Để thực hiện biện pháp này hiệu quả, lực lượng cảnh sát phải nhờ vào sự trợ giúp của hàng trăm camera có hệ thống nhận diện hình ảnh để giám sát các phương tiện.
Còn tại Mỹ, các bang và các TP sử dụng các biện pháp quản lý giao thông khác nhau trong giờ cao điểm. Một số bang thiết kế đường cao tốc thành các làn riêng cho một số loại xe nhất định trong giờ cao điểm. Tất cả các xe đều được lưu thông vào các thời điểm khác trong ngày.
Chính quyền các bang Arizona, California, Georgia, New York hay Washington sử dụng các đoạn đường nối để điều tiết lượng xe vào đường cao tốc trong giờ cao điểm. Nhằm giảm lượng xe đi lại, một số TP tại Mỹ đã quy định giờ cao điểm khác nhau.
Tại một số nơi, trong đó có New York, giờ cao điểm sẽ được tính từ 4 giờ đến 9 giờ sáng. Dựa trên điều này, người dân sẽ tranh thủ đi làm từ 5 giờ hoặc 6 giờ sáng do quãng thời gian còn lại sau đó đến 9 giờ 30 sáng, đường sá sẽ trở nên đông đúc. Khách đi tàu điện ngầm cũng phải đi sớm để giành được chỗ ngồi tốt. Trong khi đó, giờ cao điểm tại Los Angeles và California là nửa đêm do lúc này các công nhân đi làm ca đêm.
Khuyến khích giao thông công cộng
Việc phát triển và khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng không phải lựa chọn mới nhưng “chưa bao giờ cũ” trong việc giải quyết ùn tắc giao thông. Một khi đạt hiệu quả, biện pháp này sẽ có tác dụng lâu dài, bền vững, không chỉ cho giao thông mà còn đối với đời sống và cảnh quan đô thị.
Trung Quốc mới đây đã cho thử nghiệm mẫu xe buýt khổng lồ chống tắc đường, với chiều cao lên tới 5m, chiều dài 22m, rộng 7,8m. Thiết kế gầm cao đặc biệt cho phép các phương tiện giao thông di chuyển phía dưới, để góp phần giúp các phương tiện khác lưu thông dễ dàng hơn trên đường. Với sức chứa lên đến 1.200 hành khách, chiếc xe mang tên "Transit Elevated Bus" (TEB-1) sử dụng năng lượng thân thiện môi trường, chạy với vận tốc tối đa 60 km/giờ.
Đây cũng là một trong những lựa chọn của nhiều TP ở Mỹ. Đầu năm 2023, Boston, San Francisco và Denver là những khu vực thử nghiệm bãi bỏ vé xe buýt. Phong trào “không giá vé” này đã nhận được sự ủng hộ của các DN, người ủng hộ môi trường, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ do những ưu điểm vượt trội trong bảo vệ môi trường cũng như giảm ách tắc giao thông.
Nhật Bản đặc biệt chuộng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hay tàu ngầm.
Với tổng chiều dài lên đến 328km, hệ thống tàu điện ngầm Tokyo đang là xương sống quan trọng trong hệ thống đường sắt của thủ đô Nhật Bản cũng như là phương tiện được ưa thích của đa số người dân xứ sở mặt trời mọc.
Tuy nhiên, khi nhu cầu người dân sử dụng tàu điện ngày càng cao, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng thu phí đắt đỏ bằng máy thu điện tử ở khắp mọi nơi để tránh tình trạng quá tải, bảo đảm chất lượng cho các chuyến tàu. Bên cạnh tàu điện ngầm, Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích xe buýt phát triển bằng việc xây dựng các làn đường riêng bất chấp những lo ngại sẽ ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác.
Tại TP Murcia, Tây Ban Nha, các nhà chức trách đã tặng thẻ đi tàu trọn đời cho những người chịu nộp xe hơi cho chính phủ nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Những chiếc xe đó sẽ được tháo dỡ và trưng bày nơi công cộng.