Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm: Hà Nội coi 5G là nền tảng không thể thiếu cho kinh tế số

Hà Thanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Liêm khẳng định: Hà Nội coi 5G là nền tảng không thể thiếu cho kinh tế số và sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng cho công nghệ mạng này trong những năm tới.

 Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm
Năm 2020 được đánh giá là quãng thời gian khó khăn đối với tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và ngành TT&TT cũng không phải ngoại lệ. Vậy trong năm qua, ngành đã thu được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?
- Có thể nói, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói chung và ngành TT&TT nói riêng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND TP, ngành TT&TT vẫn nỗ lực đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Đối với lĩnh vực báo chí, Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND TP triển khai có hiệu qủa Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 với việc giảm 10 cơ quan báo chí. Đồng thời, Sở cũng đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan báo chí TP sau sắp xếp.

Trong lĩnh vực viễn thông, Sở TT&TT đã tích cực phối hợp cùng các DN viễn thông tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (mạng 4G) và triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (mạng 5G) trên địa bàn TP. Đáng chú ý, trong tháng 12/2020, Viettel và VNPT đã tổ chức khai trương mạng 5G trên địa bàn TP.

Về lĩnh vực thông tin điện tử, công tác theo dõi, giám sát thông tin trên mạng xã hội được chú trọng, nhằm loại bỏ những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, sai sự thật về Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dịch bệnh Covid-19 …

Việc mở rộng hạ tầng mạng 4G cũng như tiến hành triển khai thử nghiệm mạng 5G được xem là điểm nhấn quan trọng của viễn thông Việt Nam trong năm 2020. Ông có đánh giá thế nào về việc triển khai 2 công nghệ mạng này tại Thủ đô trong năm 2020 và kế hoạch trong 2021 cũng như những năm tới?

- Với chủ trương là hạ tầng viễn thông phải đi trước một bước và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của nền kinh tế số, trong thời gian vừa qua Sở TT&TT đã phối hợp cùng Bộ TT&TT chỉ đạo các DN viễn thông triển khai thực hiện mở rộng, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng 4G, 5G trên địa bàn Thủ đô.

Đến nay, trên địa bàn TP hiện có trên 9.000 trạm 3G, 4G (với vùng phủ sóng trên 98% dân số) và có 213 trạm 5G đã được Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT đã khai trương thử nghiệm dịch vụ từ tháng 11/2020.

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Sở TT&TT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN viễn thông trên địa bàn TP tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển mạng mạng 4G. Đánh giá kết quả triển khai thử nghiệm mạng 5G trước khi xem xét, triển khai diện rộng trong năm 2021.

Đưa ra giải pháp sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật không chỉ giữa các nhà mạng viễn thông mà còn liên ngành với ngành điện, nước, giao thông vận tải để đáp ứng được yêu cầu triển khai của mạng 5G và quan trọng nhất là tối ưu hóa chi phí của DN, giảm chi phí chung của toàn xã hội, đẩy mạng triển khai hạ tầng tại những khu vực có nhu cầu cao như khu công nghiệp, khu công nghệ cao…
 Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm (trái) cùng Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm ký kết ''Chương trình phối hợp trong việc nâng cao hiệu quản lý Nhà nước về báo chí và đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giai đoạn 2020 - 2025''.

Bên cạnh các mặt tích cực, một số hạn chế trong sự phát triển của CNTT như tin nhắn, email, cuộc gọi rác... đang mang lại nhiều phiền toái cho người dùng. Sở TT&TT đã có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

- Ngay sau khi Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Sở TT&TT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên địa bàn TP.

Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị Công an thành phố khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, nhanh chóng báo cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý. Yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet xây dựng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo chỉ đạo của Cục Viễn thông.

Sở TT&TT Hà Nội cũng đang xây dựng và sớm công bố quy trình xử lý đối với các số điện thoại, đầu số nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi rác nhằm hướng dẫn quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đến hiện tại, Sở TT&TT đã rà soát, xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức thực hiện gọi điện thoại quảng cáo sai quy định với tổng số tiền xử phạt là 22,5 triệu đồng; 1 cá nhân thực hiện nhắn tin quảng cáo sai quy định với số tiền xử phạt 3,75 triệu đồng; Xử phạt 1 đơn vị cung cấp dịch vụ tin nhắn ngắn 15 triệu đồng về hành vi “không gắn nhãn tin nhắn quảng cáo theo quy định”; Đề nghị DN viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với 7 thuê bao điện thoại vi phạm nhắn tin quảng cáo, gọi điện quảng cáo sai quy định.

Trong năm 2021, Sở TT&TT Hà Nội tiếp tục xác định chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, tránh bị gây phiền hà bởi “vấn nạn” này.
Nhân viên VNPT kiểm tra lắp đặt hệ thống mạng 5G tại Hà Nội.
Có thể nói, mạng xã hội đang là ứng dụng không thể thiếu cho người dùng internet nói chung, tuy nhiên, trên môi trường mạng cũng thường xuyên xuất hiện những thông tin xấu, độc, thậm chí là thông tin phản động, phá hoại tình hình an ninh chính trị đất nước. Năm vừa qua, Sở TT&TT đã triển khai nhiều phương án để hạn chế tình trạng trên. Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này được không?

- Thời gian qua, Sở TT&TT thường xuyên phối hợp các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Công an TP Hà Nội và các cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý TT&TT trên địa bàn TP nói chung và công tác quản lý mạng xã hội nói riêng.

Năm 2020, Thanh tra Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, xử lý 55 tổ chức, các nhân cung cấp thông tin vi phạm trên môi trường mạng với tổng số tiền 807 triệu đồng. Các hành vi chủ yếu gồm: Cung cấp thông tin sai sự thật; Thu thập, sử dụng thông tin của cá nhân mà không được sự đồng ý; Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác…

Đi đôi với ngăn chặn, Sở TT&TT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao ý thức cho tổ chức/cá nhân khi tham gia mạng xã hội. Sở đã Tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch về triển khai các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng khi tham gia môi trường mạng giai đoạn 2018-2020.

Trong 03 năm triển khai thực hiện, đã tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng cho 1,5 triệu lượt học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; 45.050 lượt sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn TTP; Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng tham mưu TP ban hành Kế hoạch đưa thông tin về các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của lên hệ thống trang thông tin điện tử, mạng xã hội nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chương trình, nhiệm vụ công tác của TP.

Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng, tăng cường chủ động rà soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp tục làm tốt hơn hơn nữa công tác quản lý nhà nước theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao trong đó có quản lý mạng xã hội.

Xin cảm ơn ông!